Từ trung tâm TP. Pleiku (Gia Lai), xuôi về hướng Đông Nam khoảng 60km, vượt qua đèo Chư Sê, một vùng đồng bằng giữa cao nguyên hùng vĩ hiện ra. Sau khi công trình thuỷ lợi Ayun Hạ hoàn thành, nơi đây đã trở thành một đồng bằng thứ thiệt với hơn 13 nghìn ha ruộng lúa nước.
Làng Plơi ơi.
Lọt giữa mênh mông ruộng nước và lúa ấy là ngọn núi Chư Tao Yang, chứa
trong lòng một huyền thoại, một sự kiện văn hoá tín ngưỡng: Cây gươm
thần của Pơ Tao A Pui, tức
vua lửa. Thanh gươm được cất rất kỹ trong
hang, phần lớn là... chưa ai được thấy, ngoại trừ vua.
Về với làng Plơi Ơi
Làng Plơi Ơi, xã Ayun Hạ nằm sát ngay bên dòng sông chính của thuỷ điện Ayun Hạ, công trình được xem là lớn nhất ở Tây Nguyên. Men theo triền đê dọc sông Ayun, chúng tôi đến dinh cơ của vua lửa Siu A Luynh đã mất cách đây hơn 10 năm.
Đó là một căn nhà sàn nhỏ mang đậm chất của đồng bào Tây Nguyên. Xung quanh nhà được bứng bằng gỗ, mái lợp tôn. Phía ngoài hiên nhà treo mấy bộ xương hàm lợn, sừng bò rừng trông khá bí hiểm. Chúng tôi đến đúng vào thời điểm giữa trưa nhưng cả làng vắng hoe vắng hắt. Thi thoảng gặp một vài đứa trẻ nước da đen cháy mặt mày nhem nhuốc đang chơi tha thẩn dọc bờ sông. Hỏi thăm, bọn trẻ nói tiếng kinh lơ lớ cho biết già làng đi nương, trưởng thôn cũng đi nương, muốn gặp thì tối mịt hoặc sớm mai đến.
Cánh đồng làng Plơi Ơi.
Chúng tôi đợi họ và đi dọc bờ sông Ayun Pa, một số phụ nữ dân tộc Mường, Mông ở phía Bắc di cư vào lập nghiệp đang chăm chắm giặt đồ dưới rệ sông hỏi với theo: "Đến tìm hiểu về
vua lửa ở làng Plơi Ơi hả?". Trò chuyện được một lúc họ nói: "Bản thân dòng sông này cũng chứa đựng một câu chuyện huyền thoại về tình yêu".
Chuyện kể rằng, hàng nghìn năm trước đây, chàng trai người J’rai tên Pa yêu thương cô gái cùng dân tộc mình là Ayun. Nhà Pa rất nghèo, không đủ sính lễ để hỏi nàng Ayun, gia đình Ayun phản đối quyết liệt. Họ vẫn lén lút hẹn hò và gặp nhau vào mỗi đêm khuya nơi đầu nguồn con sông rồi đem lời thề thốt.
Tình yêu của họ dù mãnh liệt cũng không thể thắng được tục lệ đã tồn tại hàng nghìn năm nơi mảnh đất họ sinh sống. Thất vọng, Pa đã trẫm mình xuống sông. Ayun nghe tin cũng gieo mình xuống dòng sông chết theo. Nơi họ trẫm mình là nơi hai dòng sông Ba và sông Ayun hợp nhau tạo thành một con sông lớn được gọi là sông Ayun Pa.
Những phụ nữ có uy tín trong làng mới được ra sông Ayun lấy nước.
Nghe kể chuyện vua lửaChiều tối chúng tôi đến nhà Phó Chủ tịch xã Ayun Hạ, ông Rơ Ma Thuyn. Ông Thuyn kể rằng: Ông vốn sinh ra lớn lên ở đây từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ ông thấy
vua lửa là người giàu có cả. Khi ông còn sống, dân làng vẫn giúp ông làm nương, làm rẫy. Bây giờ, dù ông đã chết, nhưng vợ ông cùng các con đều phải lên nương để làm lấy lúa ăn.
Vợ con vua bây giờ vẫn trông vào 3 sào lúa, 1 ha rẫy trồng ngô. Cuộc sống chật vật từ miếng ăn chật vật đi. Lên rẫy, là một công việc đã gắn với họ kể từ khi lọt lòng. Thực chất vua lửa là một danh hiệu tượng trưng cho thần quyền và tự phong chứ chưa bao giờ là một chức dịch hay được hưởng lương.
Linh vật tế thần.
Đem vấn đề này trao đổi với Tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Kim Vân, Trưởng phòng Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Gia Lai, bà Vân kể: Đến đời Pơ Tao A Pui thứ 11 là Siu At thì người Pháp bắt đầu đặt chân lên cao nguyên gần với sự kiện giáo sĩ người Pháp Cucnot đưa linh mục Michel và Puelos lên Kon Tum mở đường cho sự xâm lược của người Pháp lên vùng cao. Và việc đầu tiên là họ kết thân với những tộc trưởng có thế lực và đặc biệt là vua lửa.
Theo TS. Vân, Siu At có một người giúp việc là A Ma Ju. Trong một lần đến sông Hinh (Phú Yên) không may con voi của ông bị đứt xích, phá rẫy của người Kinh. Những người Kinh đã bắt cả voi và người đưa về sông Cầu để Pháp xét xử. Viên quan người Pháp ra điều kiện sẽ cho Ju về nếu ông sắp xếp để họ được gặp vua lửa.
Đến ngày hẹn, Siu At cho làm gà và mở rượu ghè đón khách như phong tục của người J’rai. Nhưng cả buổi đó, viên quan Pháp chỉ đòi được xem thanh gươm thần, cố ý lấy cho bằng được để thực hiện âm mưu thu phục các dân tộc Tây Nguyên.
Chuẩn bị tiệc rượu cho lễ hội của làng.
Hành động của người Pháp đã làm người J’rai nổi giận, đám thanh niên đã rút gươm chém đứt đầu viên quan Pháp. Lính Pháp từ Tuy Hòa đã tiến hành bao vây và bắt vua lửa về giam tại nhà giam Sông Cầu và tàn phá các làng của xã A Yun Hạ.
Để cứu vua, 6 thanh niên tham gia vào vụ việc là A Bô, Djon, Blen, Chon, Đăm Đoa và Đăm Aloa đã ra chịu nộp mạng. Người Pháp đã giết 6 thanh niên J’rai ưu tú này tại chân cầu Rơi.
Thái độ bất hợp tác của vua lửa Siu At và cái chết thảm khốc của thanh niên J‘rai đã tác động mạnh đến tâm lý và tình cảm của người dân các dân tộc Tây Nguyên. Sau này Siu At cùng với những vị vua kế tục ông đã tổ chức các cuộc di dân, lập căn cứ chống Pháp. Và quân Pháp đã phải liên tục mở các chiến dịch dùng hàng tiểu đoàn chống lại lực lượng của các Pơ Tao A Pui vào năm 1904.
Đã có thời các
vua lửa tạo cho mình vị trí thủ lĩnh có thế lực và được nhà Nguyễn coi như những phiên quốc ngang hàng với các nước Chân Lạp, Nam Chưởng, Vạn Tường với cái tên Hỏa Xá mà “thủ đô” chính là thung lũng Ayun Pa ngày nay. Nhưng những “vương quốc” này chưa kịp hình thành đã tan rã, cùng với sự biến động của lịch sử. Sự hiện diện của những Pơ Tao A Pui cuối cùng chỉ còn lại ý nghĩa như những thầy cúng cao tay.
Truyền thuyết về kiếm thầnNhà thơ Văn Công Hùng, Ủy viên thường trực Hội nhà văn Việt Nam, một người đã có thời gian tiếp xúc với vua lửa kể rằng, trong ký ức của người J’rai, qua bao nhiêu thế hệ vẫn còn đọng lại những hình ảnh khủng khiếp. Năm ấy, hạn hán kéo dài, sông Pa, sông A Yun và các nguồn nước hoàn toàn cạn kiệt, cây rừng không mọc nổi. Người J’rai phải đào giếng lấy nước ăn. Các loại thú rừng cùng kéo đến giếng uống nước… Không còn gì để ăn, người ta phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây Le nấu thành cơm ăn thay gạo…
Núi Chư Tao Yang, nơi cất giấu thanh gươm báu trước đây.
Và Pơ Tao A Pui xuất hiện cùng với truyền thuyết về cây gươm thần có thể hô phong hoán vũ do anh em T’Dia, T’Diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng, một miệng núi lửa tạm ngừng hoạt động nằm cách trung tâm TP Pleiku về phía Nam khoảng chục cây số. Nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... cuối cùng người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ.
Khi thanh gươm vừa nguội thì anh em T’Dia, T’Diêng vứt xuống sông. Và họ đưa ra lời nguyền “Ai có được thanh gươm sẽ có thể hô phong hoán vũ”. Hay tin, các bộ tộc người trong khu vực đều xuống sông lặn tìm thanh gươm. Một dân chài người Kinh lặn được thanh gươm. Từ dưới nước ông nhô người và giơ thanh gươm lên thì người Jrai giật được lưỡi gươm, người Lào giật được chuôi gươm, còn người Kinh giữ vỏ gươm. Và yếu tố bản địa của "thanh gươm thần" được nhiều tộc người khác nhau công nhận.
Vua lửa và kiếm thần là một báu vật cha truyền, con nối. Do vậy, ngoài làng Plơi Ơi, không nơi nào có được.
(
Còn tiếp…)