Trong thực hiện nhiệm vụ này, phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể. Để làm rõ hơn thông điệp trên, phóng viên NTNN đã phỏng vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.
Tăng nguồn vốn cho tam nôngTrong phát triển nông nghiệp, vai trò của người nông dân phải là nòng cốt
Tôi rất tâm đắc với thông điệp của Thủ tướng là cần thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Hiện nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp mới chỉ đáp ứng được 55 - 60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao.
Do vậy, cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như chính sách tín dụng và thuế, phát triển thị trường, khoa học - công nghệ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Trong tái cấu trúc đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần theo hướng tăng luồng vốn cho đầu tư trực tiếp phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là ưu tiên đầu tư, nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
(Ông Lưu Đức Khải -Trưởng Ban chính sách nông nghiệp, nông thôn - Viện quản lý kinh tế Trung ương)
Đừng ép chạy theo mục tiêu phi thực tếThông điệp của Thủ tướng đã khái quát rõ: Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì người nông dân cần phải là chủ thể quan trọng nhất để đưa đề án tái cơ cấu vào thực tế. Hiện nay, rất khó khăn trong việc tổ chức nông dân, gắn kết nông dân thành tổ chức bền chặt có quy mô.
Để người nông dân có vai trò lớn hơn, có tiếng nói mạnh hơn trong việc tái cơ cấu phải có giải pháp hỗ trợ cụ thể để tăng cường thể chế của nông dân. Thời gian tới, để Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện, cần có bước thay đổi rõ rệt về nhận thức. Đó là không thể ép nông dân đi theo những mục tiêu không sát thực tiễn. Phải để cho nông dân có quyền tự quyết trong việc họ sẽ làm gì, họ đi theo hướng nào.
Nhà nước cần cung cấp các thông tin đầy đủ, đa chiều và hỗ trợ sao cho họ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt, phù hợp nhất. Tôi chỉ đơn cử, chúng ta nói rất nhiều đến tăng cường quy mô sản xuất cho nông nghiệp để hiệu quả hơn. Nhưng thực tế còn ít hành động hỗ trợ nông dân để họ có thể tăng cường quy mô sản xuất.
(Ông Trương Quốc Cần-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững)
Nói lên nỗi niềm của nông dân Tôi cho thông điệp của Thủ tướng đã nói lên nỗi niềm lớn nhất của nông dân hiện nay. Bởi tăng trưởng ngày càng kém của khu vực nông thôn có nguyên nhân chính là do đầu tư và quan tâm yếu. Bản thân nông nghiệp là khu vực luôn chịu rủi ro lớn bởi thiên tai, địch họa; chỉ một trận bão có thể những thành quả của nông nghiệp trở về là con số không.
Đối tượng của khu vực này lại đông, với hơn 50-60% dân số làm nông, do vậy nếu đầu tư cho khu vực này không tương xứng lại không được quan tâm thì không thể đòi hỏi nó tăng mạnh được. Chưa kể, đầu ra cho nông nghiệp lại luôn bị ép cấp, ép giá. Nông dân đang bị thiệt thòi, ít được quan tâm, hiệu quả sản xuất làm ra thấp và được chia lợi nhuận thấp nhất. Tôi cho rằng, đã đến lúc phải tái cấu trúc nền nông nghiệp, từ chính sách, nguồn nhân lực đến đầu tư. Chúng ta phải có thái độ nghiêm túc, tốt hơn với nông dân thì mới tránh được tụt hậu cho khu vực này.
(Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội)
Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường :
3 điều kiện để nông dân làm chủ thể
Nông dân là trung tâm, chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đó là đương nhiên. Nghị quyết 26 của BCH T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ rõ và trong thực thế bao năm qua đã chứng minh vai trò trung tâm, chủ thể của nông dân. Khẳng định lại điều này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ mong muốn vai trò trung tâm, chủ thể của nông dân rõ nét hơn trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Về cơ bản, cần phải có 3 điều kiện để nông dân phát huy được vai trò trung tâm và chủ thể trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM. Thứ nhất, nông dân phải được đào tạo, trang bị kiến thức KHKT, thị trường, kỹ năng tay nghề để nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh từ đó nâng cao thu nhập.
Thứ 2, hệ thống cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước phải đến được với nông dân, để nông dân làm được và hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Những năm qua, chúng ta có nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có chính sách tốt, có chính sách còn bất cập, nửa vời, thậm chí có chính sách làm khó nông dân. Việc sửa các chính sách bất cập, nửa vời khá chậm, ví như Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 61 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, hay như chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay để doanh nghiệp thu mua tạm trữ một số mặt hàng nông sản…
Thứ 3, nói gì thì nói vẫn phải có sự tăng đầu tư của Nhà nước, xã hội vào nông nghiệp, nông thôn. Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 cho thấy, 5 năm qua, đầu tư vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ vào nông nghiệp, nông thôn có tăng, nhưng đầu tư của xã hội vào khu vực này lại giảm. Như vậy là đầu tư chưa đủ độ. Chỉ có vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ không thôi thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM. Cần phải có chính sách huy động được vốn đầu tư của xã hội đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Phương Đông (ghi)
|