Xuất khẩu gạo “dính đòn”
Ông Lê Minh Trượng - Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu (Cần Thơ) cho biết, trong xuất khẩu gạo, có tới 99,9% lý do mà nhà nhập khẩu đưa ra để trì hoãn việc thanh toán là liên quan đến tranh chấp thương mại, như cho rằng gạo Việt Nam không đạt chất lượng, không đáp ứng đầy đủ tất cả các chỉ tiêu mà nhà nhập khẩu đưa ra… Hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa có một tiêu chuẩn chặt chẽ, nên rất dễ bị nhà nhập khẩu bắt lỗi này nọ nhằm trì hoãn việc thanh toán tiền.
Có rất nhiều hành vi lợi dụng, lừa đảo của đối tác nước ngoài mà doanh nghiệp xuất khẩu VN cần cảnh giác. |
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An cũng cảnh báo nhiều DN xuất khẩu hàng qua đến Trung Quốc bị phía bạn không nhận hàng nhưng cũng đành chịu vì không có vận đơn để hoàn tất bộ chứng từ thanh toán. Ngay cả đã ký hợp đồng, có mở L/C (chứng thư bảo đảm) qua ngân hàng vẫn bị “xù” như thường.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) Trần Văn Bắc kể kinh nghiệm xương máu: Đầu năm, Satra ký hợp đồng với một đối tác có tiếng của Trung Quốc cung ứng số lượng lớn vài chục ngàn tấn gạo. Giao được chuyến đầu, qua chuyến thứ hai thì bên đó giở trò đề nghị hạ giá và yêu cầu dời ngày giao hàng.
“Biết là họ ép nhưng mình cũng phải bán vì nếu không thì trả lãi ngân hàng cũng chết. Hơn nữa, kho nào mà chứa được hết hàng, để lâu thì gạo mốc, phải bán đổ bán tháo - ông Bắc phân tích. Nhiều trường hợp khác, DN Việt Nam khi giao hàng tới cảng thì đối tác tìm mọi cách để hạ giá xuống. Lý do phổ biến họ đưa ra ra là gạo bị nhiễm khuẩn, nếu không hạ giá thì phải chịu chi phí để họ xử lý, dù trước đó người kiểm tra chất lượng sản phẩm của họ đã đến Việt Nam kiểm tra đạt rồi mới xuất.
Những chiêu lừa tinh vi
Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) từng cứu nhiều trường hợp lừa đảo rất tinh vi trong chứng từ thanh toán. Như trường hợp một công ty có trụ sở ở phía Bắc ký 2 hợp đồng với một công ty Đài Loan có chi nhánh tại Thái Lan để mua đường Thái, trị giá cả 2 hợp đồng lên tới gần 10 triệu USD. Mọi chứng từ, L/C đều đầy đủ và “sạch”. Sau đó, họ mời giám đốc của phía Việt Nam sang Thái Lan xem hàng định giao vào ngày Chủ nhật. Đến nơi mới biết là cuối tuần, không ai làm việc. May nhờ VIAC điện khẩn Thương vụ Việt Nam tại Bangkok kiểm tra mới phát hiện tất cả các loại chứng thư đều theo mẫu mà Thái Lan đã bỏ.
“Tại sao mua đường của Thái Lan, mặt hàng quản lý theo hạn ngạch mà phải qua công ty Đài Loan? Nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới này thường bắt đầu vào ngày nghỉ để lợi dụng yếu tố bất ngờ, và nhiều vụ lừa đảo cũng vậy, để ta không có thời gian hay mất tập trung trong việc kiểm tra chứng từ…” - ông Nguyễn Gia Hảo - chuyên gia tư vấn, trọng tài viên VIAC chỉ ra những yếu tố lừa đảo.
Một DN Việt Nam khác hợp đồng mua phôi thép với một công ty Ấn Độ. Họ báo hàng đã về cảng Vũng Tàu, chứng từ cũng đã gửi đầy đủ tới ngân hàng mở L/C. Cảng vụ Vũng Tàu cũng xác nhận có tàu đó vào cảng. Công ty ta tin tưởng là hàng đó có thật, chấp nhận thanh toán. Cuối cùng chẳng thấy hàng đâu. Kiểm tra kỹ lại thì đó chỉ là tàu xin vào cảng Vũng Tàu để sửa chữa do giữa đường bị hỏng hóc. Điện thoại qua nhờ sứ quán ta ở Ấn Độ đến công ty này tìm thì ở đó chỉ là một cửa hàng bán đồ gỗ. Bài học này đắt giá tới 700.000USD.
“Trong trường hợp thanh toán theo L/C, không nên để đối phương làm việc này, cả với mua và bán để tránh đến mức thấp nhất các trường hợp bị lừa” – ông Nguyễn Gia Hảo phân tích.
Ngọc Minh