Dân Việt

Chuyện tình già và ước mơ “sách cà phê” nhỏ

Người đưa tin 21/12/2013 09:03 GMT+7
Khách hàng ở đây không chỉ đến uống cà phê, mà còn vì lòng hiếu sách, bản thân ông Nguyễn Thế Thành cũng được xem như một cuốn sách mà mỗi trang đời đều để lại những dấu khó phai.
Đã từ lâu, quán cà phê nhỏ nằm trên đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu sách. Chủ quán là một ông già tóc bạc năm nay đã ngoại thất thập.

Vợ chồng ông Nguyễn Thế Thành
Vợ chồng ông Nguyễn Thế Thành

Tình yêu không tuổi tác

Mỗi sáng trước khi quán mở cửa, người ta lại thấy hai vợ chồng ông lụi cụi quét dọn sân vườn. Cụ bà quét sân, cụ ông lau dọn ấm trà, sắp xếp những cuốn sách còn dang dở vào đúng hàng đúng dãy… Sau đó, ông mở cổng tiễn bà đi lên phố, ông ở nhà trông nom quán nhỏ rồi tối đến lại đứng đợi bà về trước cửa. Cứ thế đã nhiều năm qua, từ khi cuộc sống của hai vợ chồng còn đầu tắt mặt tối, lăn lộn giữa những đắng cay cuộc đời cho đến nay, khi con cái đã trưởng thành, hai vợ chồng già mới có thời gian dành cho nhau.

Cậu bé Nguyễn Thế Thành sinh ra trong một gia đình cự phách ở làng Nhật Tân, cha là nhà buôn gỗ nổi tiếng một thời, mẹ là cô gái Nghi Tàm xinh đẹp, tảo tần. Tuy là con vợ thứ nhưng dưới ông còn có tận 9 người em, về sau đến khi gia đình lâm vào cảnh thất bát, ông lại phải làm chủ gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ.

Cách mạng nổ ra, không còn cảnh "con vua lại được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa", cậu công tử "con nhà" hôm nào phải bỏ học đi cắt cỏ, chăn bò, làm thuê để có tiền đong gạo nuôi các em. Rồi cha mẹ lần lượt qua đời…, gánh nặng trên vai ông càng nặng.

Giữa những năm bảy mươi, khi cuộc kháng chiến của dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt thì chàng công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội gặp cô gái trẻ Phạm Ngọc Dung. Tình yêu đến với họ trước hết bởi sự cảm thông và chia sẻ của những người đồng cảnh ngộ.

Bà Dung cũng là con gái của một gia đình phú hộ trong vùng, cũng phải qua những cảnh đắng cay của một thời nghiệt ngã khi lý lịch cá nhân được đánh một dấu đen như những gia đình giàu có trước đó. Lớn lên trong khó khăn nhưng bù lại, bà được cha mẹ dạy dỗ cẩn thận, trong nghèo đói vẫn giữ được cái nết của con nhà thế gia. Tuy bà không sắc nước hương trời nhưng lại có cái đằm thắm, nết tảo tần của người con gái làng hoa.

Thời điểm họ gặp nhau, bà đang là công nhân nhà máy sửa chữa hè đường thành phố. Được bạn bè giới thiệu cho "con mọt sách" luôn đứng nép mình một góc phòng mỗi lúc hai cơ quan có buổi giao lưu. Thấy ông trầm tĩnh, ít nói, ban đầu bà cũng ngại nhưng về sau, khi tiếp xúc nhiều thì thấy ở chàng trai này là một sự nhiệt tâm và ham hiểu biết lớn thì lại thấy cuốn hút. Tình yêu đến với họ bình yên và đẹp như một bức tranh Tây Hồ buổi sáng sớm. Đám cưới của họ cũng chỉ vài mâm cơm nho nhỏ trong sự chúc mừng của gia đình bạn bè khi bà vừa tròn mười chín tuổi còn ông hai mươi lăm.

Biết trước lấy ông sẽ khổ nhưng bà cũng không ngờ cuộc đời lại nhiều sóng gió đến vậy. Khi vừa có đứa con nhỏ đầu lòng thì nhà máy thực hiện cắt giảm nhân công. Hai vợ chồng, một đứa con nhỏ lại phải đèo bòng thêm 9 người em đang còn lít nhít, gia tài cũng chỉ là hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng chật vật tính kế mưu sinh. Vợ nhận thêm hàng gia công về nhà làm: Đóng hộp các tông, may gia công, nhận quần áo người ta về khâu vá,… ông thì một mình lặn lội những công việc nặng nhọc từ phụ hồ, đánh vữa, đốt lò bánh mì cho đến bốc vác ở bến cảng Phà Đen.

Khó khăn là vậy nhưng ông Thành không bỏ được một thói quen: Mê đọc sách. Từ nhỏ, ông đã thấu hiểu cảnh mẹ cả con chồng, quyết không để người khác khinh nên ông tìm đến với những trang sách để khiến mình trở nên giàu có. Mẹ ông lại là một người phụ nữ yêu sách và dưỡng cho con niềm đam mê của mình. Lớn lên, phải quần quật giữa cuộc mưu sinh, thói quen của ông ngày càng "nặng".

Dù đi làm thuê, bốc vác ở những nơi nhộn nhạo, xô bồ hay đi đạp xe khách, phụ việc thì trong tay nải của ông lúc nào cũng có một cuốn sách đang đọc dở dang, khi giải lao lại đem ra đọc. Đồng tiền kiếm được chẳng bao giờ dư, nhưng tằn tiện hết sức ông vẫn "tranh thủ" dăm đồng để mua sách. Vợ ông không những không phản đối mà còn tích cực ủng hộ. Bà vẫn thường động viên ông và các con: "Có sách thì mới giữ được nếp nhà".

Có lần, khi còn là công nhân nhà máy cơ khí, đứng trong cửa hàng sách cũ, tìm thấy một cuốn sách hay và quý, ông ngần ngừ suy nghĩ. Vừa mới lấy lương xong, lại hết tháng, gia đình còn trăm khoản phải chi tiêu… nhưng nếu không mua được cuốn sách này thì ông tiếc lắm. Ông cứ đứng tần ngần ở cửa hàng cả tiếng đồng hồ, rồi quyết định mua. Về nhà, không để vợ hỏi, ông thú nhận trước, không ngờ bà chỉ cuời. Hóa ra bà cũng chẳng bất ngờ gì với cá tính của ông. Sau bữa ấy, ông thấy bà phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, tối thức khuya hơn và sáng dậy sớm hơn, ông lại càng thương vợ.

Một góc nhỏ của quán cà phê sách của ông Thành
Một góc nhỏ của quán cà phê sách của ông Thành

Ước mơ về một quán cà phê sách nhỏ

Hiểu rõ giá trị đồng tiền, đam mê và ước muốn có một quán cà phê nho nhỏ gọi là "cà phê sách" đã khơi gợi lên trong ông trong suốt mấy chục năm. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng chưa bao giờ ông từ bỏ ước muốn đó.

Các em dần lập gia đình, ra ở riêng, các con cũng lớn lên, gánh nặng trên hai vai vợ chồng dần nhẹ bớt. Đến những năm 90, tuy trong nhà vẫn chẳng có gì đáng để gọi là có, nhưng bù lại gia tài sách của ông ngày một dầy thêm. Có thể gọi đó là một thư viện mini với những cuốn tiểu thuyết đã cũ mèm do thu lượm được từ các cửa hàng giấy lộn, những cuốn sách khoa học kĩ thuật, nghệ thuật đã long bìa lở gáy đều được ông trân trọng nâng niu và tìm cách phục chế lại…

Ông bà vẫn thường hay nói với các con: "Bố mẹ chỉ có sách là gia tài duy nhất để lại cho các con". Anh Bách, con trai lớn của ông bà cứ mỗi lần đi làm về, lại cùng cha ngồi vào bàn sách, sửa chữa những cuốn sách cũ và trao đổi với những người khách hiếu sách.

Khi ông quyết định "về quê"- rời ngôi nhà trong phố để chuyển ra mảnh đất nhỏ duy nhất mà ông bà tổ tiên còn để lại được, hiện nay là số nhà 440 Âu Cơ để mở một quán cà phê sách, người ngoài bảo ông "khùng", nhưng vợ con thì tích cực ủng hộ. Nhưng điều này cũng có nghĩa, hằng ngày bà phải thức khuya dậy sớm hơn, đi xa hơn để trở vào trong phố bán buôn, kiếm tiền phụ ông trên cuộc hành trình đi sưu tầm những trang sách quý.

Khách đến quán ban đầu thì ít, nhưng càng ngày, những người yêu sách càng biết tiếng và tìm đến nhiều hơn. Lời đồn cứ thế bay xa, cho đến cả những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ có tiếng cũng tìm đến quán cà phê nhỏ của ông để được tận mình đắm chìm trong không khí yên tĩnh và những cuốn sách hay. Cà phê tuy không ngon bằng những nơi khác nhưng lại được người chủ quán tận tình, từ sáng đến tối chỉ gọi một tách cà phê nhưng vẫn đuợc phục vụ chu đáo nên khách đến với ông chưa một lần phải phàn nàn.

Nếp nhà và sách


Dù đi làm thuê, bốc vác ở những nơi nhộn nhạo, xô bồ hay đi đạp xe khách, phụ việc thì trong tay nải của ông lúc nào cũng có một cuốn sách đang đọc dở dang, khi giải lao lại đem ra đọc. Đồng tiền kiếm được chẳng bao giờ dư, nhưng tằn tiện hết sức ông vẫn "tranh thủ" dăm đồng để mua sách. Vợ ông không những không phản đối mà còn tích cực ủng hộ. Bà vẫn thường động viên ông và các con: "Có sách thì mới giữ được nếp nhà".