Dưới mái đình quan họTừ Hà Nội, lữ khách đi ngược quốc lộ 1 tới cuối thành phố Bắc Ninh gặp đê sông Cầu. Từ trên con đê thơ mộng này sẽ thấy thấp thoáng mái đình của làng Diềm, đẹp nhất nhì xứ Kinh Bắc. Người làng Diềm vẫn tự hào với câu “thứ nhất đình Đông Quang, thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang Đình Diềm”.
Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ - Làng Diềm(Ảnh: TTĐT Bắc Ninh)
Trong một chiều đông sắp sang xuân ông thủ từ Nguyễn Ngọc Bích (67 tuổi), cũng là một liền anh quan họ có tiếng, tỉ mỉ giới thiệu kể về nơi phát xuất của quan họ: Xưa làng có một cô gái hàng ngày đi cắt cỏ. Một hôm chúa Trịnh đi tuần du dọc sông Cầu, chợt nghe có tiếng hát của một người thôn nữ từ cánh đồng vẳng lên: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Bao nhiêu cây cỏ lại hàng tay ta”.
Nhìn ra mới biết, đó là một người mặt hoa da phấn, sắc nghiêng nước nghiêng thành đang cầm liềm cắt cỏ. Chúa Trịnh ngạc nhiên lắm, bởi cái liềm mà ví như nửa mặt trăng thì quả là tài tình. Lại thấy người đẹp đi đến đâu thì trên đầu có đám mây vàng kéo theo che mát cho người đẹp tới đó. Biết là người tài, chúa đã rước nàng về kinh phong làm cung phi.
Nhưng lầu son gác tía, cao nương mỹ vị của nhà chúa, không làm cho bà nguôi nhớ quê nhà có dòng sông Cầu và những bãi dâu xanh ngắt. Bà xin về sống ở quê nhà, rồi dạy dân làng hát. Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ là Thủy tổ quan họ, đó chính là đền Vua Bà. Hàng năm, cứ đến mồng 6.2 âm lịch, để tưởng nhớ Vua Bà thì dân làng lại mở hội để hát thờ quan họ.
Tạo nên nét duyên của làng Diềm, không thể không kể tới mái đình. Ông thủ từ Bích lại như một hướng dẫn viên giới thiệu về mái đình độc đáo có một không hai của nước ta: Đình Diềm được xây dựng tháng 6.1692, nằm uy nghi trên một nền cao bó đá với một quy mô lớn. Đình dựng theo kiểu chữ công: Tiền tế gồm 5 gian, dài 17,5m rộng 14,9m. Phần chuôi vồ dài 6,8m, rộng 9m. Nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc tinh tế, lộng lẫy.
Cũng làm nên vẻ hữu tình của làng Diềm thì còn phải kể đến giếng Ngọc. Quanh năm nước ở giếng cổ này trong mát, không biết có phải vì uống nước ở giếng này mà con gái làng Diềm cũng đằm, trắng, mà mắt lúng liếng hơn chị em trong vùng, nhưng quan trọng là giọng người làng Diềm rất mượt, rất ấm, mà lại thanh, cứ như họ sinh ra là chỉ để hát mỗi quan họ của làng mình.
Nối mạch quan họCó những lúc, vì chiến tranh, vì đói khổ nhiều làng quan họ trong vùng bị mai một, nhưng chưa bao giờ làng Diềm vắng tiếng ca. Ở cái tuổi đã lên chức bà nội, bà ngoại, nhưng hai chị em ruột cô Nguyễn Thị San (59 tuổi) và cô Nguyễn Thị Thềm (55 tuổi) vẫn còn say quan họ như thuở cập kê. Hai cô là một cặp hát trời sinh, từng đem tiếng hát của làng mình sang tận thủ đô Paris (Pháp). Nghe kể, sau đợt xuất ngoại đó, nhiều vị khách nghe một lần mà phải lặn lội vượt hàng nghìn km để được nghe lại giọng hai cô.
Không chỉ có hát mà cách ăn của người quan họ cũng tao nhã lắm, họ ăn không nhiều và rất trọng nhau câu mời, có khi đãi bạn bằng cỗ 3 tầng, nhưng cũng chỉ dám nói: “Chị em tôi sửa soạn đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa cà, mời các anh các chị xơi”.
|
Cô Thềm kể, chị em tôi là con nhà nòi được thừa hưởng di sản quan họ từ bố tôi là cụ Nguyễn Văn Trung. Lúc còn sống, ông ham quan họ đến mức bỏ cả công cả việc. Có lần nhà đang chất rơm lên đống, nghe có bạn ở làng Bịu lên chơi, cụ bỏ luôn mấy chị em tôi và đống rơm chất dở, đi tiếp bạn quan họ chơi một canh 3 ngày, về rơm bị mưa ướt hết cả.
Chơi quan họ cổ tuy toàn chơi tự nguyện, nhưng phải lề lối nghiêm ngặt lắm. Nhà ai có điều kiện gọi là ông trùm, thì phải xây một “nhà chứa”, để tiếp bạn chơi quan họ. Quan họ thường hát tối, bắt đầu vào một canh hát, liền anh ở bên tay trái, liền chị ở bên tay phải, cách nhau 1 gian nhà, mà ở giữa chỉ có một ngọn đèn dầu hạt lạc, có khi hát đến 3 đêm rồi mà cũng không tường mặt nhau.
Tới nay, làng Diềm đã gầy dựng được CLB quan họ của làng với 60 thành viên, người trẻ nhất là 10 tuổi, mỗi tháng sinh hoạt một lần, còn đến mùa hội thì giao lưu hết hội mới thôi. Để duy trì mạch quan họ, 2 nghệ nhân San - Thềm đã tình nguyện dạy quan họ miễn phí bất kể lúc nào và với ai yêu mến quan họ, dù có là người thiên hạ đến làng.
Trước khi tạm biệt những nghệ nhân của làng quan họ cổ, tôi đã bắt gặp một tốp các cô bé cậu bé học sinh đang tìm đến để xin học quan họ. Cô bé Nguyễn Thị Bình đang học lớp 11 nói: “Bọn cháu phải học các bà chứ. Làng cháu là làng quan họ, thì gái quan họ phải giữ được tiếng”...