Lấy chất lượng xây dựng thương hiệu
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hầu hết các nông trường, nông trại ở Nhật Bản đều có diện tích vừa và nhỏ (từ 10 – 30ha), nhỏ hơn nhiều so với các nông trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là doanh thu và lợi nhuận của nông trường đem lại rất “khủng”. Ông Seno Hidemi – chủ nhân của Nông trường Hope Land kể, từ những năm 1980, ông đã nhận ra rằng, Nhật Bản muốn mô hình nông trường, nông trại phát triển, nhất thiết phải hướng tới kinh doanh phù hợp. Trong đó sẽ nhắm vào những sản phẩm là thế mạnh của vùng, từng bước tạo ra những nông sản có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Du khách trải nghiệm với nông trang hoa Lavender East (Hokkaido).
Với lợi thế nằm ở lưu vực sông Takachi, ông Seno đã từng bước cải tạo vùng đất ven sông thành một nông trường trù phú. Năm 1998, mô hình trồng dâu tây của ông đã được cả nước Nhật biết đến và giờ đây nó trở thành điểm tham quan của khách du lịch. Bên cạnh đó là các loại rau như cải bắp, súp lơ, cải tím… và các loại hoa quả như dưa hấu xanh, cà chua, bí đỏ… cũng được ông áp dụng trồng theo công nghệ sạch, nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo Seno, việc trồng luân canh một loại rau màu, hoa quả trên một diện tích là nguyên nhân chính dẫn đến sâu bệnh, dịch hại và năng suất, chất lượng thấp. Tuy nhiên, để tìm ra giải pháp không hề đơn giản. “Năm 2006, trong một lần tham quan trang trại nuôi lợn thả ở Anh, trong khi đó ở Nhật Bản giá khoai tây đang giảm mạnh, dư thừa, hơn nữa nhiều diện tích phải bỏ không cho đất nghỉ, tôi đã mạnh dạn thả lợn vào khu đất nghỉ đó. Không ngờ chất đất được cải tạo nhanh chóng nhờ phân và việc đào ủi của lợn, cũng do thả rông nên thịt lợn chắc, thơm ngon và thương hiệu “thịt lợn Ezo” bắt đầu nổi tiếng từ đó” – ông Seno cho hay.
Nông trang Lavender East, Tomita và Kamifurano ở Furano (Hokkaido) lại chủ yếu trồng và kinh doanh hoa, theo hình thức du lịch trải nghiệm, hoặc dịch vụ chụp ảnh… Ở đây, mùa nào hoa đấy, có các loại hoa đã tạo thành thương hiệu của Hokkaido như oải hương tím, hướng dương, salvias, cosmos… với những cánh đồng, sườn đồi như những tấm thảm hoa trải ngút tầm mắt, đẹp đến ngỡ ngàng. Dù là nông trường sản xuất nông sản, chăn nuôi hay nông trang hoa, thì những người chủ đều có chung mục đích là “lấy chất lượng để xây dựng thương hiệu và biến thương hiệu thành… tiền”.
Vươn tầm quốc tếKhông chỉ mỗi nông trường, nông trang tìm cho mình một thế mạnh, một lối đi riêng, gần đây họ còn liên kết lại với nhau tạo thành các “Phân hội kinh doanh nông nghiệp trên toàn quốc”, tận dụng “sức mạnh tập thể” và ông Seno là một trong người đi đầu.
Hỏi về thu nhập của nông trường, ông Seno thật thà cho biết, nông trường của ông có tất cả 14 công nhân viên chức và khoảng 30 công nhân thời vụ, với doanh thu trung bình từ 200 – 230 triệu yên/năm (tương đương 42 – 46 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 20 – 25 tỷ đồng).
|
Ông Seno kể, gần chục năm trước ở xã Makubetsu chỉ có duy nhất nông trường của ông, nếu đứng độc lập sẽ rất khó cạnh tranh, dù ông có thế mạnh là thịt lợn Ezo và một số nông sản chất lượng cao cũng khó đảm bảo được thu nhập. Hơn nữa từ khi Nhật Bản gia nhập WTO, những nông sản ở nước này bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu. “Tôi và 3 nông trường khác ở Totachi đã liên kết thành lập nên nhà hàng Minoriya nổi tiếng tại thành phố Obihiro, với mong muốn giao lưu với khách hàng nhiều hơn nữa. Tại nhà hàng này, chúng tôi cung cấp cho khách hàng 100% nông sản tươi, sạch và các sản phẩm khác như sữa, bít tết…” – ông Seno tự hào cho hay.
Theo ông Seno, nông trường của ông đã từng nhận hàng nghìn lượt sinh viên, du học sinh ở trong và ngoài nước đến học tập. 4 năm trước tình cờ trong đợt tập huấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho các du học sinh Việt Nam, ông đã có dịp tìm hiểu về nền nông nghiệp Việt Nam, sau đó đã sang Việt Nam và tiến hành trồng dâu tây và cà chua ở Đà Lạt. Ông Seno bày tỏ: “Tôi đang thử nghiệm trồng thêm xà lách xanh xoăn ở Đà Lạt. Qua giao lưu với nông nghiệp Việt Nam, tôi đã tích lũy được thêm rất nhiều kinh nghiệm hữu ích và mở rộng danh mục cây trồng như: Súp lơ xanh, măng tây, ngô ngọt…”.
Ông Sanbu Eiji – Trưởng phòng Quản lý nông nghiệp TP. Sapporo cho biết thêm, hiện Nhật Bản đang hướng đến “Du lịch xanh và trải nghiệm nông nghiệp”. Để làm được điều này, người dân phải chú trọng đến “nông nghiệp tự cường mạnh”. Có nghĩa không phụ thuộc nhiều vào tiền trợ cấp của Nhà nước.