Theo trình bày của bà Lý Thanh Hà (ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), tháng 9.2010 gia đình bà bỏ tiền túi đầu tư đường điện 3 pha để đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ 3 ao nuôi tôm công nghiệp. Gia đình được Điện lực huyện Trần Đề lập hợp đồng mua bán điện phục vụ nuôi trồng thủy sản và nhân viên điện lực căn dặn không cho ai câu thêm vào đường dây, nếu thất thoát điện cũng như hư hao thiết bị, gia đình phải tự chịu trách nhiệm.
Bà Hà bức xúc vì Điện lực Trần Đề tự ý câu từ đường dây của bà để "chia lửa" cho nhiều hộ khác.
Thế nhưng 3 tháng sau, bà Hà phát hiện ngành điện tự ý câu điện cho một hộ khác từ đường dây mà gia đình bà đầu tư. Bà khiếu nại, Chi nhánh điện Trần Đề thừa nhận sai sót và được khách hàng rộng lượng bỏ qua. Nhưng từ năm 2011 đến nay, bà Hà tiếp tục phát hiện ngành điện mắc vào đường dây của mình nhiều đồng hồ khác khiến điện sụt áp liên tục. Theo biên bản kiểm tra của ngành điện ngày 12.9 thì đường dây 3 pha do bà Hà đầu tư có 2 hộ khác sử dụng là hộ Lưu Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Liêu Tú và hộ Huỳnh Văn Thành - nguyên Chủ tịch UBND xã Liêu Tú. Cả 3 đồng hồ của 2 hộ này (ông Thành 2 đồng hồ) mắc vào trước nguồn điện, bà Hà sử dụng cuối nguồn nên không đủ điện thế 220V như hợp đồng khiến các thiết bị quạt nước, máy bơm không vận hành được. “Không đủ điện vận hành thiết bị khiến ao tôm bị thiếu oxy, tôm rớt đáy chết trên 10 tấn, thiệt hại tiền tỷ” - bà Hà bức xúc.
Thạc sĩ luật Nguyễn Đức Hùng (Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và cộng sự) cho biết: Theo thông tin bà Hà cung cấp có thể thấy, đơn vị bán điện đã vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho khách hàng. Theo quy định tại Điều 44 và Điều 46 Luật Điện lực, bà Hà có quyền yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, để được bồi thường, bà Hà phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại là do hành vi vi phạm hợp đồng của đơn vị bán điện gây ra. Lê Chiên (ghi)
|
Trong Công văn số 6001, ngày 2.10 do Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải ký cũng đã thừa nhận công tác quản lý lưới điện khách hàng đầu tư chưa chặt chẽ, công nhân đấu công tơ của hộ khác vào đường dây của bà Hà. Song, công ty lại không đưa ra kế hoạch bồi thường thiệt hại do bán điện kém chất lượng khiến bà Hà bức xúc.
Theo Điều 6 của hợp đồng mua bán điện của bà Hà, khoản 6.1.1 ghi rõ bên bán bồi thường cho bên mua khoản thiệt hại do lỗi bên bán. Còn tại điều 7 thì bên mua được cung cấp đủ điện năng đảm bảo chất lượng và được bồi thường thiệt hại do bên bán gây ra. Như vậy, trong trường hợp này, điện lực đã có lỗi vì tự ý “chia lửa” cho nhiều hộ khác trên đường dây của bà Hà bỏ tiền đầu tư nên ngành điện phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Mới đây, bà Hà tiếp tục phát hiện điện lực tự ý bấm niêm chì vào nắp đậy cầu dao tổng khiến bà Hà không thể cúp cầu dao khi có nhu cầu sửa chữa điện trong khu nuôi tôm.
Ông Hồ Văn Inh - Chánh Thanh tra Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng xác nhận đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra và phản ánh của bà Hà là hoàn toàn đúng. Theo ông Inh, việc làm này của ngành điện là không đúng.