Dù là loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ dân ở 2 huyện miền núi Tây Trà và Trà Bồng, nhưng mấy năm gần đây do bị bệnh tua mực tấn công làm năng suất, giá trị của cây quế bị giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người trồng quế.
Cây quế khi nhiễm bệnh tua mực phát triển còi cọc. (Ảnh: TTĐT Quảng Ngãi)
Đưa tay chỉ vườn quế trên 5.000 cây đã được 5 tuổi nhưng vẫn cứ còi cọc, ông Hồ Ngọc Thanh ở thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng giọng rầu rĩ: “Trồng từ cách đây 2 năm, dù đã chăm sóc đúng theo cán bộ hướng dẫn, nhưng chúng vẫn không phát triển được như những cây quế mà mọi người trồng gần đó. Sau khi nhờ cán bộ nông nghiệp huyện xuống xem giúp, thì mới biết những cây quế này bị bệnh tua mực. Nếu không bị bệnh trên thì với số quế hiện tại, chỉ 1-2 năm nữa lột vỏ bán cũng được vài chục triệu đồng. Nhưng giờ đã bị bệnh này thì không biết thế nào nữa”.
Ông Hồ Ngọc Đài - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Trà Bồng cho biết: Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện đã có khoảng 300ha quế bị bệnh tua mực. Tập trung nhiều nhất là ở các xã Trà Thủy, Trà Sơn và Trà Hiệp. Bệnh xuất hiện chủ yếu vào tháng 9 hằng năm, tạo hình thù dị dạng làm cho cây quế không phát triển tự nhiên và ra nhánh, rất khó thu vỏ khi thu hoạch. Dù phát hiện khá lâu và đã được Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) kết luận tác nhân gây bệnh là do Phytoplasma (loại dịch khuẩn bào) gây nên. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có cách điều trị hữu hiệu khi cây quế mắc bệnh này.
Theo chính quyền 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà tính đến thời điểm này, diện tích quế của 2 huyện đã đạt gần 7.000ha, với sản lượng khai thác hàng năm ước đạt gần 1.000 tấn quế khô. “Hàng ngàn hộ dân trồng quế địa phương rất mong cơ quan chuyên môn tìm ra cách xử lý dứt điểm căn bệnh. Nếu không thì vùng nguyên liệu quế khó phát triển bền vững được”- ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng bày tỏ.