Theo truyền thuyết xa xưa, dân tộc Khmer coi Mặt trăng như một vị thần điều động mùa màng trong năm. Ý nghĩa của lễ Ok-om-bok là nhằm tưởng nhớ và tạ ơn Mặt trăng, nên lễ Ok-om-bok còn gọi là lễ cúng Trăng vào ngày 15.10 âm lịch hằng năm. Thức cúng đặc biệt nhất trong lễ cúng Trăng là cốm dẹt, có nơi gọi lễ Ok-om-bok là lễ “Đút cốm dẹt” là vậy. Còn nói đến Ok-om-bok của người Khmer Bảy Núi, trước hết phải nói đến món cốm dẹt cũng như nghề làm cốm dẹt ở đây. Phum Tà On, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn được xem là một trong những làng nghề làm cốm dẹt lâu đời của người Khmer Bảy Núi.
Du khách đến vùng Bảy Núi vào dịp lễ Ok-om-bok rất thích thú với việc giã cốm dẹt.
Ngày xưa thì đa số các nhà đều tự rang nếp để giã cốm dẹt. Ngày nay theo xu thế phát triển, người ta càng ít làm cốm, dần dần chỉ tập trung ở một vài nơi, hình thành từng phum, sóc chuyên làm cốm dẹt để bán. Những nơi làm cốm dẹt nổi tiếng đông đúc và lâu đời ở Bảy Núi giờ cũng chỉ còn dăm bảy hộ làm nghề giã cốm dẹt. “Muốn có cốm dẹt bán đúng vào dịp Ok-om-bok thì chúng tôi phải đi mua lúa nếp ở nơi khác về” – bà Néang Uch- một trong những người có thâm niên trong nghề làm cốm dẹt ở khu làm cốm dẹt lâu đời nhất của xã Châu Lăng cho biết như vậy.
Ngày nay, dù không còn nếp mới đúng vào dịp rằm cúng Trăng (do thâm canh, tăng vụ), nhưng để tỏ lòng trân trọng các phật tử nông dân đã sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, người dân Khmer Bảy Núi (An Giang) vẫn duy trì tổ chức nghi thức lễ cúng Trăng bằng cốm dẹt. Đây cũng chính là một đặc trưng riêng có của nông dân Phật giáo Nam Tông Khmer vùng Bảy Núi.