Dân Việt

Mỳ Quý - Dư vị xứ Quảng

QNO 17/10/2013 08:11 GMT+7
Tiếng Quý - một thương hiệu mỳ Quảng đã tồn tại suốt mấy mươi năm qua tại thôn Lệ An (Duy Châu, Duy Xuyên) góp phần tạo nên dư vị cho những ai ngang qua vùng đất này…
Từ gánh mỳ rong

Trong không gian khá hẹp của quán Tiếng Quý, cô chủ Ngô Thị Tú niềm nở, nhiệt thành đón những vị khách bằng chất giọng quê đặc sệt và sự đôn hậu vốn có của người dân xứ Quảng. Để có được thương hiệu mỳ Quảng Tiếng Quý ngày nay là cả quá trình gắn bó với nghề của mẹ chồng cô - bà Huỳnh Thị Quý.
img

Gánh mỳ đã gắn với bà trong những năm kháng chiến chống Pháp, lúc chạy giặc và tản cư ra Đà Nẵng. Tại một góc chợ Hòa Khánh, mỳ bà Quý có tiếng không nằm ở không gian quán mà chính từ hương vị.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà trở lại quê nhà và khôi phục quán mỳ đã đổ nát trong chiến tranh. Ngày đặt tên quán “Tiếng Quý” (tiếng tăm mỳ Quý), bà đã khóc. Có lẽ, nấu mỳ không chỉ là nghề mà còn là cái nghiệp gắn bó với cuộc đời bà. Và càng yêu nghề, bà nấu càng ngon hơn trước.

Quán tuy chật hẹp nhưng lúc nào cũng đông khách. Năm 2008, bà Quý ốm nặng và qua đời, quán mỳ như mất đi một phần linh hồn khiến anh Nguyễn Báo- con trai bà- trăn trở. Sau đó một thời gian, bằng sự quyết tâm kế tục danh tiếng và thương hiệu mà mẹ mình đã gầy dựng suốt hơn 40 năm qua, anh Báo cùng vợ đã “khởi động” lại quán mỳ.

Chị Tú (vợ anh Báo) là người con dâu chăm chỉ, chịu khó đã phụ giúp bà Quý rất nhiều trong suốt thời gian quán hoạt động - tiếp thu được những bí quyết và lời dạy của bà để có thể nấu được nồi nước nhưn mang hương vị đặc trưng. Khách quen đến ăn mỳ không quên thắp cho bà Quý nén hương, để tỏ lòng cảm kích người quá cố.

Sự thăng hoa của thương hiệu

Đã 4 năm kể từ ngày tiếp quản quán mỳ của mẹ chồng, chị Tú vẫn còn nhớ những khó khăn trong ngày đầu đứng bếp: “Áp lực từ tay nghề của mẹ khiến tôi phải nỗ lực không ngừng. Nhờ sự chỉ dạy của mẹ lúc còn sống, những bí quyết được tôi thực hành rất nhiều lần trước khi mở cửa lại “thương hiệu” mỳ Tiếng Quý”. Nằm trên tuyến đường ĐT 610 đi Mỹ Sơn và lăng Bà Thu Bồn, quán là một địa điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch. Hầu hết tour du lịch nào cũng ghé lại để khách thưởng thức mỳ.

Để có được tô mỳ ngon, chị phải tự tay lựa gà ta (vừa già), khi nấu thịt sẽ mềm và thơm. Khi làm gà xong phải tỉ mỉ lọc bỏ hết xương, ướp gia vị rồi um cho thấm; phần xương được dùng để nấu nước lèo. Nhờ đó, nước nhưn sẽ có vị ngọt đặc trưng. Và có lẽ điều đặc biệt nhất của mỳ gà Tiếng Quý nằm ở đĩa rau sống ăn kèm, thơm giòn với bắp chuối, xà lách, giá và rau quế.

Thoạt nghe có vẻ bình thường nhưng khi thưởng thức mới cảm nhận hết hương vị mỳ gà ngon ngọt, chanh chua, miếng ớt cay cay và chén nước mắm thơm lựng. Chị Laura, khách du lịch người Anh khá thích thú khi nhìn thấy những sợi mỳ dài trắng, rổ rau sống hòa trộn nhiều sắc màu và nồi nước nhưn bốc khói trong bếp.

Có người còn nói rằng, đến Mỹ Sơn, Duy Xuyên mà không ăn mỳ Quý thì “coi như chưa đi”. Trong 2 năm trở lại đây, mỳ Quý lại “bay” ra Hà Nội phục vụ các đại biểu dự họp Quốc hội. Tuy mệt, nhưng chị Tú rất vui vì thương hiệu mỳ Tiếng Quý bây giờ không chỉ nổi tiếng ở Duy Xuyên, Quảng Nam mà đã được biết đến trên cả nước.

Một đoàn làm phim ở Ý đã từng đến quay các công đoạn nấu mỳ để tạo nên thương hiệu mỳ Quảng nức tiếng này. Trong những dịp tổ chức “Hành trình di sản” về Mỹ Sơn cũng như lễ hội Bà Thu Bồn, chị Tú trở nên bận rộn hơn vì được mời làm đầu bếp chính và truyền bá kinh nghiệm trong việc nấu mỳ Quảng. Đây được coi là một việc làm ý nghĩa, giúp lưu truyền và phát huy hơn nữa nét đặc trưng và độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực quê hương.

Tiếng Quý đã trở thành một thương hiệu về ẩm thực và để duy trì được danh tiếng ấy, những người xây dựng nó đã đổ không biết bao công sức cùng nhiều thăng trầm. Nhờ có Tiếng Quý, người ta đến có cái để thưởng thức, khám phá và đi có cái để nhớ, để hoài niệm về vùng đất di sản. Thế nhưng thương hiệu ẩm thực ấy vẫn chưa có điều kiện để phát triển, theo lời anh Báo, hễ có đoàn khách nào đặt từ 50 tô mỳ trở lên đành từ chối vì quán quá nhỏ.

Nên chăng đã đến lúc cần có cái “bắt tay” giữa nghệ nhân và các ngành liên quan để phát triển thương hiệu đẹp, góp phần thu hút du khách trên “con đường di sản”. Như câu chuyện bánh xèo của bà Mười Xiềm (TP.Cần Thơ) là một trong 11 loại hình di sản văn hóa của Việt Nam tham dự lễ hội đời sống dân gian Smithsonian diễn ra tại Mỹ năm 2007.

Các nhà chức trách chọn bà vì lẽ “nét đặc biệt là nghệ nhân xuất thân từ làm bánh, bán bánh mưu sinh” và “muốn giới thiệu cho mọi người một con người thật bình dị, làm những loại bánh đời thường trong cuộc sống hằng ngày...”.