Ngày 10.11.2013 tại Norfolk, Mỹ đã cho hạ thủy tàu sân bay mới nhất và có công nghệ tiên tiến nhất mang tên USS Gerald Ford. Các tàu sân bay thế hệ mới này sẽ lần lượt thay thế các tàu lớp Nimitz, cụ thể , USS Gerald Ford sẽ thay thế tàu USS Enterprise.
Theo Tư lệnh các chiến dịch biển Mỹ J.Grinert: “Đây là một điều thần kỳ của công nghệ”. Hiện nay khối lượng công việc đóng tàu đã hoàn thành được khoảng 70% và tàu sẽ được hoàn thiện trước năm 2015, sau đó qua hàng loạt các thử nghiệm và sẽ đưa trang bị cho Hải Quân Mỹ vào năm 2016.
Sơ đồ tàu san bay thế hệ mới của Mỹ USS Gerald Ford – Thefordclass.com
USS Gerald Ford - là chiếc tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên được đóng trong vòng 40 năm qua. Hải quân Mỹ sẽ nhận tất cả 10 tàu sân bay lớp này.
Dự tính cứ mỗi chu kỳ 5 năm sẽ đưa vào trang bị một chiếc. Chiếc tàu thứ hai mang tên J.Kennedy sẽ đưa vào trang bị năm 2019 và chiếc cuối cùng (thứ 10) vào năm 2058.
Giá cả và những đổi mới công nghệChiếc tàu này được khởi công đóng năm 2009 trong khuôn khổ chương trình Tàu sân bay thế kỷ XXI. Tổng kinh phí chi cho dự án là 14 tỷ USD (theo một số liệu khác là 12,9 tỷ), vượt xa dự toán ban đầu là 8,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà thiết kế hy vọng là trong quá trình khai thác, những chi phí vượt dự toán trên sẽ được bù lại. Những tính toán trên là có cơ sở vì: Số lượng kíp thủy thủ ít hơn so với các tàu thế hệ trước và những ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí khai thác mỗi tàu lên tới 4 tỷ USD trong suốt 50 năm phục vụ.
Nhìn chung, tàu sân bay đa năng lớp Gerald Ford có thể coi là phiên bản cải tiến của các tàu lớp Nimitz hiện đang có trong trang bị của Hải quân Mỹ. Kích thước và lượng giãn nước tương đương nhau- khoảng trên 100.000 tấn (G.Ford có lượng giãn nước 112.000 tấn). Tuy nhiên, các tàu lớp mới có những ưu điểm vượt trội so với các tàu lớp Nimitz, cụ thể là:
Chuẩn bị hạ thủy
1. Tàu lớp Gerald Ford đảm bảo khả năng cất cánh và hạ cánh cho các máy bay không người lái (Mỹ đã thử nghiệm cho máy bay không người lái X-47 cất cánh từ tàu sân bay G.Bush vào tháng 5.2013). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng nếu tính đến triển vọng sẽ có nhiều hơn các máy bay không người lái kiểu mới được sử dụng trong tác chiến thời gian tới.
2. Công suất của 2 lò phản ứng nguyên tử tăng thêm 25%, không phải thay các thanh nhiên liệu trong suốt vòng đời của tàu sân bay- có nghĩa là 50 năm (các tàu lớp Nimitz sau 20 năm phải thay thanh nhiên liệu).
3. Tỷ lệ sử dụng vật liệu composit và các loại vật liệu khác của công nghệ tàng hình tăng nhiều so với Nimitz vì vậy trọng tải hữu ích, độ bền tăng lên đáng kể trong khi khả năng dễ bị tổn thương lại giảm rõ rệt.
4. Gerald Ford có thể mang được 90 máy bay và máy bay lên thẳng, trong đó có cả máy bay tiêm kích tấn công F-35 (các máy bay chủ yếu của tàu lớp Nimitz là F/A-18F Super Hornet và F/A-18C Hornet. Các máy bay trên được bố trí trên 25 bãi đỗ trên boong tàu. Trong trường hợp tiến hành các chiến dịch quân sự, tàu có thể đảm bảo cho 220 lần xuất kích của máy bay mỗi ngày.
5. Phương tiện phòng không của tàu là các tên lửa ESSM với 2 bệ phóng, mỗi bệ phóng có 32 tên lửa. Để tác chiến phòng không tầm gần, tàu có các tên lửa phòng không RAM. Hệ thống radar hai dải tần DBR có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu của đối phương.
6. Gerald Ford có thể đạt tốc độ hơn 30 hải lý/giờ (hơn 56km/h). Kíp thủy thủ - 4.500 người. Sở dĩ kíp thuỷ thủ giảm được 500 người so với các tàu lớp Nimitz là do việc ứng dụng công nghệ mới và hệ thống tự động hóa đã giảm được 30% khối lượng công việc bảo dưỡng kỹ thuật các hệ thống của tàu.
7. Đây là chiếc tàu đầu tiên của Hải quân Mỹ được hoàn toàn thiết kế theo công nghệ 3D. Còn có một số khác biệt nữa của các kết cấu bố trí trên phần trên của tàu, chúng có kích thước nhỏ hơn và được bố trí nhiều ở phía sau tàu – vì vậy, tăng được diện tích các bãi đỗ máy bay. Ngoài ra, cách bố trí các không gian bên trong tàu linh hoạt hơn để có thể nhanh chóng thay đổi trong trường hợp cần lắp đặt các thiết bị mới hoặc hiện đại hóa trong tương lai.
8. Tàu được trang bị máy phóng máy bay điện từ (Nimitz sử dụng máy phóng máy bay bằng hơi nước) và có boong tàu rộng hơn so các tàu sân bay thế hệ trước.
Chức năng của các tàu sân bay thế hệ mới này là: chiếm ưu thế trên biển và trên không; tiến hành các đòn tấn công từ trên không vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế- quân sự của đối phương; hỗ trợ cho lục quân và đảm bảo cho các chiến dịch đổ bộ quy mô lớn.
Hiện Mỹ có 10 tàu sân bay và con số trên sẽ không thay đổi trong hơn 50 năm tới (vì thay thế theo kiểu cuốn chiếu).
Một vài so sánhNhư đã biết, giá các tàu sân bay là rất cao (ví dụ, tàu sân bay G.Bush có giá là 6,2 tỷ USD). Trên thế giới có không nhiều quốc gia có khả năng duy trì các tàu như vậy. Các nước có khả năng (cả tài chính lẫn công nghệ) đóng các tàu loại này lại càng ít hơn.
Ngoài Mỹ, hơn 1 năm trước Trung Quốc cũng đã sở hữu tàu sân bay Variag của Liên Xô cũ mà Ukraine bán lại cho Trung Quốc (nay là Liêu Ninh, hiện đang “nghiên cứu khoa học” ở Biển Đông- hay là đang kiểm tra lại các tính năng kỹ-chiến thuật sau cải hoán?). Sau khi dưa con tàu này vào trang bị, Trung Quốc đã quyết định tự đóng mới các tàu sân bay.
Lễ hạ thủy. Đến dự lễ có cả con gái của cựu tông thống G. Ford
Còn đối với Nga, hiện nay nay Hải quân nước này chỉ có một chiếc tàu sân bay duy nhất là Đô đốc Liên Xô Kuznhetsov được đóng năm 1985. Lượng giãn nước chỉ bằng một nửa so với G.Ford, kíp thủy thủ cũng chỉ bằng già nửa.
Các chuyên gia quân sự Nga từ lâu đã có ý kiến là Nga cần phải đóng thêm tàu sân bay. Ví dụ, theo quan điểm của Tư lệnh Hải Quân Nga những năm 1992 - 1997, đô đốc F. Gromov, thì ít nhất Nga cũng cần có 2 chiếc tàu sân bay tại Thái Bình Dương và một tại Biển Bắc. Đây là chưa kể tới các tàu mang máy bay lên thẳng kiểu Mistral mà Nga đặt mua (và dự định hợp tác đóng) của Pháp.
Năm 2012, Bộ tư lệnh Hải quân Nga đã đề nghị Phòng thiết kế mang tên Krylov và Phòng thiết kế- dự án Nevsky chỉnh sửa lại dự án tàu sân bay nguyên tử với lý do là các tàu sân bay của Mỹ lớp G.Ford sắp được đưa vào trang bị nên các yêu cầu về thiết kế và các tính năng kỹ- chiến thuật của tàu Nga cũng cần có phải thay đổi.
Theo kế hoạch đã được duyệt căn cứ vào “Chương trình vũ khí quốc gia đến năm 2020” thì tàu sân bay đầu tiên do Nga đóng sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2020.
Cho tới nay, Mỹ vẫn chiếm ưu thế vượt trội về lực lượng tàu sân bay, cả về số lượng và chất lượng, so với các “đối phương tiềm năng”. Tham vọng giành ưu thế trên biển trước Mỹ của bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn hiện nay đều là một nhiệm vụ đầy khó khăn.