Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin cho biết, từ ngày hôm nay, 11.10, 600 triệu USD trái phiếu vừa được phát hành để tái cơ cấu nợ sẽ chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore và được giao dịch bình thường.
“Sau lần phát hành này, Vinashin có điều kiện tái cơ cấu các khoản nợ tiếp theo và phục hồi sản xuất. Đây là khoản nợ mang tính then chốt trong khoản nợ trên 4 tỷ USD của Tập đoàn,” ông Sự khẳng định.
(Ảnh: Bá Hưng/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, sau cuộc điện đàm cuối cùng vào lúc 20 giờ tối ngày 10.10 với Trung tâm lưu ký chứng khoán tại New York, Vinashin đã thực hiện thành công việc phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ lưu ký toàn cầu do Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) phát hành có bảo lãnh của Chính phủ để tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD.
Người đứng đầu Tập đoàn này cũng cho hay, trong 3 năm vừa qua, Vinashin một mặt phải đối phó với các vụ kiện do một số chủ nợ của khoản vay này tiến hành tại Tòa án tối cao tại Lon don (Anh quốc), mặt khác tranh thủ sự ủng hộ của các chủ nợ thiện chí để đi đến một thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng với tất cả các chủ nợ của khoản vay.
Tại hội nghị chủ nợ tổ chức tại Singapore ngày 5.8 vừa qua, Vinashin đã đạt được sự chấp thuận của gần 65% số chủ nợ đại diện cho hơn 79% số nợ biểu quyết thông qua Thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng do Vinashin đề xuất.
Theo thỏa thuận, các nghĩa vụ của Vinashin theo Hợp đồng vay cũ sẽ được hoán đổi lấy trái phiếu do DATC phát hành có thời hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, thanh toán cả gốc và lãi một lần vào thời gian đáo hạn.
“Đáng lẽ Vinashin phải trả các khoản nợ này từ năm 2010 gồm 600 triệu USD nợ gốc và trên 5 triệu USD tiền lãi, nhưng được đẩy lùi vào khoảng 2015, lãi suất gần như bằng 0, lãi đẩy về cuối kỳ. Với tái cơ cấu này, Vinashin sẽ lấy lại được uy tín. Sau khi đàm phán, các chủ nợ phải chấp nhận điều kiện Vinashin đề ra theo phán quyết của Tòa án. Theo tôi, mức chấp nhận này có lợi cho Vinashin, cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Sự nhìn nhận.
Bên cạnh đó, ông Sự cũng cho biết, trong thời gian qua, Vinashin đã phát hành trái phiếu nợ lần đầu trong nước gần 600 triệu USD, mua lại các khoản nợ nước ngoài gần 100 triệu USD với giá dưới 30%. Cuối năm nay hoặc chậm nhất trong quý I năm 2014 sẽ tái cơ cấu xong các khoản nợ.
Đề cập đến việc vực dậy Tập đoàn và cách thức tái cơ cấu, ông Sự cho rằng, Vinashin sẽ tập trung vào tổ chức nhân sự, tổ chức kinh doanh, hợp tác mạnh mẽ với các đối tác nước ngoài.
Liên quan vấn đề tái cơ cấu dòng tiền trả nợ cho khoản vay 600 triệu USD và các khoản vay khác, trong bối cảnh Vinashin trở lại mô hình Tổng Công ty và các Công ty bên dưới hạch toán độc lập, ông Sự cho biết, có 2 phương án gồm mua dứt điểm, dùng tiền tái cơ cấu khoản này để tái cơ cấu khoản khác; phát hành trái phiếu thời hạn dài, lãi suất không đáng kể.
“Kế hoạch là sử dụng nguồn tái cơ cấu hơn 200 đơn vị và các khoản kinh doanh khác trích vào quỹ tích lũy trả nợ, phấn đấu đến năm 2015 sẽ dùng tiền để trả nợ,” ông Sự đánh giá.
Phát biểu tại Lễ phát hành trái phiếu quốc tế tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD, ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC cho biết, Vinashin là tập đoàn Nhà nước, rất quan trọng với chiến lược phát triển kinh tế. Do đó, Chính phủ thực hiện bảo lãnh là bình thường, để tạo niềm tin cho các chủ nợ.
“Vinashin là người phát hành trái phiếu và phải kinh doanh để có nguồn trả nợ, trường hợp khó khăn mà Vinashin không trả nợ các khoản này, có sự bảo lãnh cam kết của Chính phủ để Vinashin thực hiện trả nợ với các chủ nợ nước ngoài,” ông Quang khẳng định.
Ngoài ra, vị Tổng Giám đốc DATC cũng hy vọng, trong quá trình 12 năm trả nợ, Vinashin sẽ tái cơ cấu tiếp để thực hiện nghĩa vụ này đồng thời cố gắng rút ngắn thời gian.