Thực hiện nguyện vọng của Đại tướng, Văn phòng đã thu xếp chuyến đi thăm quê lần này có thời gian 5 ngày (từ ngày 3 đến 8.11.2004). Đây là chuyến thăm quê cuối cùng của Đại tướng với nhiều ấn tượng khó quên.
Người dân Lệ Thủy đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến về thăm quê.
Về thăm quê lần này vì lý do tuổi cao và sức khỏe, nên Đại tướng đi bằng tàu hỏa. Tàu đến ga Đồng Hới lúc 5 giờ15 phút khi trời mờ sáng, đồng chí Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến tận bậc cầu thang của toa tàu đón Đại tướng xuống. Trong chúng tôi không ai nói ra nhưng tâm trạng bùi ngùi và lo cho sức khỏe của Đại tướng! Đại tướng nói: "Lần nào về quê cũng vui mừng, tình cảm quê hương thiêng liêng quý giá, được bà con dành tình cảm đặc biệt nên người thấy khỏe ra".
Nơi đầu tiên mà Đại tướng đến khi về quê nhà là thăm nghĩa trang liệt sỹ của huyện, ở xã Mai Thuỷ. Nơi đây có hàng ngàn người con của quê hương Lệ Thuỷ đi theo cách mạng suốt trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đã ngã xuống, trong đó có liệt sỹ Võ Quang Nghiêm, người cha kính yêu của Đại tướng, đã anh dũng hy sinh tại Huế, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Rồi Đại tướng đến thắp hương trước mộ mẹ và những người thân trong gia đình, được an táng gần nghĩa trang Huyện.
Căn nhà gắn bó tuổi thơ của Đại tướng.
Về thăm Tỉnh lần này, Đại tướng rất vui khi thấy thị xã Đồng Hới vừa được nâng cấp lên thành phố, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cầu Nhật Lệ được xây dựng hoành tráng, đồng lúa liên tục được mùa, đời sống của người dân được nâng cao hơn trước...
Mặc dầu xa quê làm cách mạng đã 80 năm nhưng giọng nói của Đại tướng vẫn không có gì khác với người dân Quảng Bình. Thăm quê nhà lần này, cũng như các lần trước gặp lại lại bạn bè xưa, Đại tướng nhớ và gọi tên, hỏi chuyện với các cụ rất thân tình.
Chuyến thăm quê này có một chuyện làm cho Đại tướng vô cùng xúc động là khi được thấy ngôi nhà cũ xưa gắn bó bao kỷ niện tuổi thơ của Đại tướng, được con cháu và chính quyền địa phương trùng tu lại. Đặt chân đến nhà, Đại tướng thắp hương cho tổ tiên ông bà và cho người vợ người đồng chí thân yêu, liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái. Rồi Đại tướng hỏi thăm những người bạn thiếu thời, ai còn ai mất, đời sống ra sao, bắt tay hỏi chuyện từng người đến thăm...
Đại tướng trồng cây ở Chùa An Xá.
Chuyến về thăm nhà gặp lại bạn bè ngày xưa ở làng An Xá, Đại tướng nhớ và gọi tên từng người rất thân tình. Đại tướng đã gặp lại ông Chức (nhỏ hơn Đại tướng 2 tuổi), ông Đẫu (cùng tuổi với Đại tướng) và một người bạn mà Đại tướng nhắc đến là ông Trần Dĩ, đã mất trước đó...
Qua tâm sự với chị Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng, chúng tôi được biết, trước lúc con cháu và chính quyền địa phương có ý định trùng tu lại ngôi nhà, Đại tướng nói rằng, "Nếu tu sửa lại được ngôi nhà giống ngôi nhà của cha mẹ ngày xưa thì nên làm". Ngôi nhà bây giờ được trùng tu lại đúng nguyên trạng như ngôi nhà xưa của gia đình Đại tướng. Nhà gỗ 3 gian, 2 chái nằm trên nền đất cũ, giữa khu vườn nhiều cây xanh.
Đại tướng căn dặn con cháu là phải cố gắng giữ gìn ngôi nhà cẩn thận vì đó là ngôi nhà ông bà mình để lại và được bà con và chính quyền góp sức trùng tu. Phải làm sao để ngôi nhà, vườn tược luôn có bàn tay chăm sóc của con người để khi bà con đến thăm người ta không thấy nó lạnh lẽo.
Đại tướng đi thuyền trên sông Kiến Giang.
Đại tướng trầm tư, kéo về bao kỷ niệm thở ấu thơ khi ông đứng dưới gốc cây khế, cây mít trong vườn. Đại tướng chỉ cho chúng tôi vị trí các cây đã trồng trong vườn ngày xưa. Đại tướng nói gốc mít ngày xưa cụ thân sinh trồng, nhà theo làng nước chạy giặc mấy lần, gốc mít cũng bị bom đạn cày xới mà vẫn kiên gian đứng đó, đợi chủ về.
Sau này bão lụt, cây mít bị bật rễ, gia đình trồng lại cây mít khác trên nền đất cũ để làm kỷ niệm. Còn cây khế sau nhà đã hơn 100 tuổi. Dưới gốc cây ngày xưa Đại tướng thường hay ngồi học bài cùng những người bạn. Đại tướng kể lại nhiều chuyện xưa, hầu hết các câu chuyện đều gắn với kỷ niệm ngôi nhà và mảnh vườn nhà.
Buổi tối, Đại tướng tiếp bà con trong ngôi nhà của mình. Đại tướng dặn với chị Hồng Anh và chị Bình (là hai người con gái của Đại tướng) tự đi pha trà, rót nước mời bà con. Đại tướng dành nhiều thời gian hỏi chuyện bà con và chính quyền thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ. Đại tướng rất quan tâm đến đời sống của người dân, nhất là việc học hành, khám chữa bệnh.
Khi các đồng chí cán bộ địa phương thôn An Xá và lãnh đạo xã Lộc Thủy đến thăm, Đại tướng hỏi rất cặn kẽ tình hình sản xuất, kinh tế xã hội trong xã. Đại tướng hỏi còn bao nhiêu hộ gia đình đang dùng nước sông Kiến Giang. Được các đồng chí cán bộ xã cho biết đến nay có trên 50% hộ có giếng khoan, không còn hộ đứt bữa, hộ đói nghèo cũng ít, nét mặt Đại tướng tươi vui.
Đại tướng hỏi đồng chí chủ tịch UBND xã Lộc Thủy về chuyển đổi công nghệ làm chiếu cói đến đâu. Đại tướng đề nghị với lãnh đạo địa phương quan tâm đến nghề làm chiếu truyền thống của làng An Xá, tổ chức khai thác tốt phà Hạc Hải và chú trọng đến môi trường, giáo dục, y tế; xem đó là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ địa phương.
Đường vào nhà Đại tướng ở làng An Xá.
Đại tướng nhắc nhở cần thực hiện dân chủ cơ sở một cách thực sự, tài chính phải công khai, làm sao để dân tin vào cán bộ lãnh đạo mới giành được thắng lợi. Đại tướng nhắc nhở các đồng chí cán bộ thôn, xã cần phải quan tâm đến đời sống người nông dân.
Đại tướng nói: “Tôi làm quân sự nhưng đã từng là chuyên gia dân cày nên rất quan tâm đến nông dân và công tác Hội Nông dân.” Đại tướng căn dặn bà con trong thôn không nên dùng nước sông Kiến Giang, chưa được xử lý để ăn uống. Đại tướng đề nghị chính quyền địa phương cần có giải pháp để năng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, quan tâm hơn nữa các gia đình chính sách, người có công...
Chị Hồng Anh cũng kể cho chúng tôi nhiều chuyện mà Đại tướng quan tâm đến quê nhà. Trong những lần nghe tin quê nhà bị bão lụt, Đại tướng đều điện thoại về hỏi thăm cặn kẻ tình hình bà con có bị thiệt hại gì nhiều không, Đại tướng không quên trích tiền lương gửi về ủng hộ bà con bị thiệt hại.
Đại tướng nói ở ngoài này (Hà Nội), ngày nào cũng đọc báo Quảng Bình. Về sau sức khoẻ không được tốt, Đại tướng yêu cầu đồng chí thư ký đọc, tổng hợp tình hình Quảng Bình hàng ngày báo cáo lại.
Đại tá Nguyễn Văn Huyên kể khá nhiều về sở thích của Đại tướng. Đại tướng sống rất giản dị và có thói quen ăn uống đơn giản. Món mà Đại tướng thường xuyên ăn nhất là thịt kho trứng. Đại tướng cũng thích nhiều món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như cá bống kho của Lệ Thủy, bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đây là những món mà lần nào về quê Đại tướng cũng ăn. Đại tướng ăn nhiều rau và hoa quả, không uống rượu bia, thường uống chè xanh, nước khoáng.
Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê nhà và tình cảm người dân Quảng Bình dành cho Đại tướng có lẽ viết mãi, kể mãi cũng không hết! Đại tướng đi xa, từ nay người dân quê nhà không bao giờ được ngóng đợi, trông chờ để được đón Người về thăm. Nhớ lắm tấm lòng thương yêu của Đại tướng dành cho quê hương.