Dân Việt

Sản phẩm từ gạo: Thị trường ngày càng mở rộng

Song Anh 23/10/2013 06:49 GMT+7
Mấy năm gần đây để nâng cao giá trị hạt gạo, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm làm từ gạo như bánh tráng, bánh phở, hủ tíu, bún khô, các loại bột gạo,...
Thị trường cho các loại sản phẩm này đang rộng mở ở trong nước lẫn xuất khẩu.

Tăng trưởng nội địa 10 - 20%

Do lo sợ các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều gia đình trong những năm gần đây đã tăng cường việc tự nấu ăn ở nhà. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm làm từ gạo như bánh phở, miến, bánh đa, cháo ăn liền, hủ tíu, bún gạo, các loại bột làm bánh bèo, bánh canh, bánh ướt... tăng lên.

“Nhà tôi từ 3 năm nay toàn nấu ăn ở nhà từ bữa ăn sáng đến bữa ăn khuya. Trong đó, nguyên liệu chủ yếu để chế biến các bữa ăn sáng và khuya chính là nhóm các sản phẩm làm từ gạo và mì gói” – bà Vũ Thị Chung, ở Nhà Bè, TP.HCM nói.

Các sản phẩm làm từ gạo đang ngày càng xuất hiện nhiều trên các quầy kệ của siêu thị.
Các sản phẩm làm từ gạo đang ngày càng xuất hiện nhiều trên các quầy kệ của siêu thị.

Tại hệ thống các siêu thị Big C, LotteMart, Co.opmart,… nhóm các mặt hàng đồ khô làm từ gạo và mì gói luôn chiếm từ 2 – 3 dãy kệ. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thi BigC cho biết, nhóm hàng đồ khô làm từ gạo như bún, bánh phở, cháo,... siêu thị đang hợp tác cung cấp với khoảng 20 đơn vị để đưa lên kệ bán hơn 150 loại sản phẩm khác nhau.

Ở hệ thống siêu thị Co.opmart, ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc cũng cho biết, năm nay có hơn 60 nhà cung cấp các sản phẩm chế biến từ gạo cho Co.opmart, tăng 15% so với năm ngoái. Số lượng chủng loại sản phẩm cũng tăng khoảng 20%. Bản thân Co.opmart cũng có nhãn hàng riêng một số mặt hàng này như bánh tráng, bún gạo, bún tươi sấy khô… “Đặc biệt các loại bún khô, bún gạo, miến, phở… thay thế bún tươi có doanh số bán hàng tăng cao, có những tháng tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường, nhất là vào các thời điểm “nhạy cảm” khi báo chí đưa tin một số mẫu bún tươi trên thị trường bị nhiễm tinopal” – ông Nhân thông tin.

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, tốc độ tăng trưởng của ngành sản phẩm ăn liền chế biến từ gạo đã tăng 10% trong khi ở ngành mì ăn liền giảm còn 5%. Đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam cho biết, đã chuyển hướng tập trung vào sản phẩm chế biến từ gạo như phở bò, bún riêu cua, bánh đa,… thay vì chỉ mì gói như trước kia để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Năm nay xuất khẩu gạo khó khăn, nhiều thời điểm giá lúa trong nước một số vùng được giữ vững là nhờ thương lái mua để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước làm bánh tráng, bún, phở khô và nấu rượu. Nhu cầu các sản phẩm làm từ gạo cung ứng cho thị trường trong nước mấy năm nay có tăng lên” – ông Lâm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty xuất khẩu gạo Thịnh Phát (Bến Tre), thừa nhận.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Không chỉ được ưa chuộng trong nước, các sản phẩm làm từ gạo còn được thị trường thế giới đón nhận khá tốt. Ông Lê Thế Khải - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, không chỉ bán trong nước, các sản phẩm làm từ gạo của HTX như bánh tráng, bún, bánh phở đã xuất khẩu được qua các nước Pháp, Mỹ, Canada phục vụ cho Việt kiều.

“Hiện tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng này còn rất lớn, ở đâu có bà con chúng ta là ở đó có nhu cầu sử dụng đặc sản quê nhà. Nếu chúng ta đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thì hàng chúng ta còn có thể vào các siêu thị lớn giới thiệu được đến với người nước ngoài” – ông Khải đánh giá.

Số liệu thị trường tại VN cho thấy mức tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ gạo ăn liền còn khiêm tốn. Đứng đầu vẫn là ngành mì ăn liền chiếm 91%, tiếp đến là phở 5%, hủ tiếu 2% và bún ăn liền 1,2%. Các doanh nghiệp khẳng định cơ hội tăng trưởng cho ngành này còn rất lớn.

Trao đổi với báo chí, ông Trang Sĩ Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi cũng cho biết, hiện công ty có hơn 100 sản phẩm chế biến khác nhau làm từ gạo. Các mặt hàng này đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 10 – 20%, chủ yếu là từ xuất khẩu. Hiện công ty đang xuất khẩu các mặt hàng này qua các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Myanmar và đang xúc tiến xuất khẩu qua châu Phi. Dự kiến sẽ thâm nhập được trong năm nay.

Đại diện Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket cũng cho biết mỗi năm sử dụng đến 10.000 tấn gạo để chế biến các sản phẩm ăn liền phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thông qua việc chế biến sâu hơn để tạo thêm giá trị gia tăng cho hạt gạo, các doanh nghiệp đã tăng được giá trị hạt gạo lên gấp 1,5 - 2 lần so với sản phẩm gạo xuất khẩu thông thường hiện nay. Như doanh nghiệp Lộc Sánh (Đồng Tháp), đã chế biến gạo ra thành tinh bột gạo (1 tấn gạo làm ra được khoảng 700kg bột) để xuất khẩu. Giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn bột, nếu so với giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm ở mức 380 USD/tấn hiện nay, thì sản phẩm gạo qua chế biến xuất khẩu bán được giá cao hơn gấp khoảng 1,5 lần.

Đây là hướng phát triển mà các chuyên gia đang khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN hướng tới, tức gia tăng các sản phẩm chế biến có giá trị cao, chứ xuất thô như hiện nay đã không cạnh tranh lại với các nước Thái Lan, Ấn Độ.