Dân Việt

BIDV nỗ lực cho an sinh xã hội

06/01/2011 13:06 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn 500 tỷ đồng là số tiền Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ an sinh xã hội từ 2006 đến 2010 đã góp phần cùng cả nước đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tiếp bước tới trường

Trong chuyến công tác tại Điện Biên, gặp lại anh Lầu A Sếnh ở bản Thẩm Mỹ B, xã Sa Dung, chúng tôi nghe anh chia sẻ khi được BIDV “Tiếp sức tới trường”: “Mấy năm trước, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm, muốn theo học để biết thêm cái chữ nhưng chẳng có tiền. May nhờ có BIDV hỗ trợ nên mới tiếp tục theo học được. Từ đó mở mang tri thức để thoát nghèo”.

img
BIDV tặng nhà tình nghĩa cho người nghèo ở 6 huyện thuộc Chương trình 30a.

Nhờ sự hỗ trợ của BIDV, anh Lầu A Sếnh hiện đã tốt nghiệp trung cấp, trở về làm cán bộ tại xã Sa Dung. Ngoài Lầu A Sếnh, có hàng trăm học sinh nghèo khác đã được BIDV “tiếp bước” tới trường.

Theo bà Lê Thị Dung - Chi nhánh BIDV Điện Biên, từ 2007-2010, BIDV đã thực hiện hỗ trợ 100 mái nhà cho người nghèo thuộc 4 huyện (Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Chà) với số tiền 1,5 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà ở cho học sinh bán trú dân nuôi thuộc Trường THPT huyện Mường Nhé với số tiền 2 tỷ đồng.

Không chỉ có Điện Biên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cũng là nơi BIDV có nhiều hoạt động công tác an sinh xã hội (ASXH). Theo lãnh đạo huyện Vũ Quang, những ngày đầu mới thành lập huyện, cơ sở vật chất của các trường học hết sức nghèo nàn và tạm bợ… Đứng trước thực trạng đó, sự hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học của BIDV là hết sức thiết thực, giúp 5.775 học sinh được học trong những ngôi trường mới khang trang.

Ngoài Điện Biên và Vũ Quang, trong hai năm (2009 – 2010), huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và An Lão (Bình Định) đã được BIDV tài trợ 32 tỷ đồng để xóa nhà dột nát cho người nghèo và xây dựng các công trình phục vụ giáo dục - y tế đạt chuẩn quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Hoàn thành cơ bản Chương trình 30a

Tính đến ngày 31-12-2010, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, BIDV nhận hỗ trợ 6 trên 63 huyện nghèo là: Sốp Cộp (Sơn La), Thường Xuân (Thanh Hoá), Kỳ Sơn (Nghệ An), An Lão (Bình Định), Điện Biên Đông (Điện Biên) và Vũ Quang (Hà Tĩnh) với số tiền hỗ trợ mỗi tỉnh từ 30- 32 tỷ đồng...

Tính chung từ năm 2006 đến nay, BIDV đã thực hiện các chương trình an sinh xã hội ở trong và ngoài nước với tổng số tiền 544 tỷ đồng (trong nước 467,5 tỷ đồng, nước ngoài 75,6 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn từ chi phí là 402 tỷ đồng, từ quỹ phúc lợi, đóng góp của cán bộ và kêu gọi bên ngoài 142 tỷ đồng.

Sau gần hai năm triển khai, BIDV đã hoàn thành hỗ trợ xóa 10.200 trên 10.480 nhà tạm. Mức hỗ trợ từ 3 triệu – 15 triệu đồng/ hộ, tùy theo yêu cầu của địa phương. 5/6 huyện đã hoàn tất chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo từ nguồn hỗ trợ của BIDV.

Các huyện Sốp Cộp, An Lão, Thường Xuân, Kỳ Sơn đã xây dựng 126 phòng ở cho học sinh nội trú, bán trú; xây mới 148 phòng học, phòng công vụ và công trình sân vườn thực nghiệm cho các trường học vùng cao, các điểm trường lẻ, tạo điều kiện tốt cho thầy và trò vùng cao có điều kiện học tập. Xây mới và nâng cấp 14 trạm y tế xã theo chuẩn quốc gia, tạo điều kiện cho bà con vùng nghèo được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ tốt hơn...

Ngoài Chương trình 30a hỗ trợ 6 huyện trên, BIDV còn dành nhiều kinh phí cho các chương trình ASXH khác: Hỗ trợ trường dạy nghề cho con em dân tộc ít người thuộc 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ với số tiền 30 tỷ đồng; hỗ trợ các quỹ từ thiện xã hội và Quỹ Tình nghĩa Ngân hàng… Bên cạnh đó, nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thân thiện giữa Việt Nam và các nước anh em, từ năm 2006 đến nay, BIDV đã dành 76,5 tỷ đồng cho công tác ASXH ở Campuchia, Lào, Myanmar.

Có thể khẳng định rằng, trong 5 năm qua, công tác ASXH được BIDV triển khai trên diện rộng và khắp mọi lĩnh vực góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần cho người nghèo, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo của nước ta thêm bền vững.