Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 tại Brunei, sáng 10.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Ngoại trưởng John Kerry cùng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đây là một tiến triển tích cực, là bước đi quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam tiếp cận công nghệ cao của Mỹ về năng lượng hạt nhân và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự trong tương lai. Thỏa thuận hợp tác hạt nhân vừa được ký tắt này sẽ phải qua Bộ trưởng Năng lượng và Ủy ban Điều hành Hạt nhân của Mỹ trước khi được đệ trình lên Tổng thống Barack Obama. Trong trường hợp ông Obama chấp thuận thông qua, văn bản này sẽ được chuyển cho Hạ viện xem xét trong thời hạn 90 ngày. Nếu không có ý kiến phản đối, hiệp định sẽ có hiệu lực.
Ngoại trưởng Kerry cho rằng, thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa hai nước sẽ cho phép các tập đoàn của Mỹ có thể đầu tư vào lĩnh vực này trong tương lai. Ngoại trưởng John Kerry cho rằng Hiệp định được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam. Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Chính phủ Mỹ coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…đồng thời triển khai nhanh việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng như các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các kết quả đạt được trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có việc tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán trong năm 2013 để có được một Hiệp định có chất lượng cao, cân bằng lợi ích và có tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các nước thành viên.
n Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 8, nhấn mạnh, Cấp cao Đông Á cần phát huy vai trò chủ động và quyết định của mình về mục tiêu thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển tại khu vực. Điều này chỉ có thể có được trên cơ sở lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Do đó, chúng ta cần phải nỗ lực xây dựng và chia sẻ các quy định, chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã đạt được cũng như tăng cường việc xây dựng các khuôn khổ cho quan hệ và ứng xử giữa các quốc gia vì hòa bình và hợp tác ở khu vực.