Ông Nguyễn Chí Xanh - Trưởng Ban quản lý chợ trung tâm Tuy Hòa (Phú Yên) vừa xác nhận: UBND tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 1 tháng đối với tất cả 26 cơ sở chế biến chả cá tại chợ.
Sau khi tiến hành chấn chỉnh quy trình sản xuất, cơ sở nào đủ điều kiện thì cho phép kinh doanh lại, nếu không sẽ chấm dứt hoạt động vĩnh viễn.
Ông Xanh cho biết, đầu tháng 10 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên đã phát hiện nhiều mẫu chả cá tại chợ Tuy Hòa có chất độc hại. Cụ thể, kiểm tra 26 cơ sở này phát hiện 7/7 mẫu chả cá có chứa dư lượng urê, hàm lượng từ 15 - 47,6mg/kg; 5/7 mẫu có chứa dư lượng chloramphenicol, hàm lượng từ 0,1 - 1,24mg/kg; qua 21 chỉ tiêu được đánh giá, có 6 chỉ tiêu mắc lỗi nghiêm trọng và 15 chỉ tiêu lỗi nặng.
Tuy nhiên, người dân lo ngại, nếu bị đình chỉ làm ở chợ, các tiểu thương có thể sẽ di chuyển "quy trình chả cá bẩn" ra nơi khác sản xuất.
Một tiểu thương (xin giấu tên) buôn bán tại chợ Tuy Hòa khẳng định với PV: Trên 50% nguyên liệu để làm chả cá là các loại cá tạp, cá kém chất lượng (không thể bán ăn tươi) và cá còn ế lại của ngày hôm trước. Việc chế biến chả cá ngay trong chợ cũng chẳng ai "giấu giếm".
Những hộ sản xuất chả cá ở đây đều không có giấy phép kinh doanh nên không có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. "Họ làm không phép hàng bao năm, giờ mới bị phát hiện và xử lý. Nhưng ai đảm bảo là hết thời gian đình chỉ họ không tái sản xuất chả cá độc hại?"- tiểu thương này nói.
Thực tế đợt kiểm tra vừa qua cũng cho thấy có sự đùn đẩy giữa 3 ngành là ngành NNPTNT, công thương và y tế. Đại diện Sở Công Thương và Sở Y tế cho biết cần phải đình chỉ hoạt động 26 cơ sở chả cá trên, thì đại diện Sở NNPTNT cho rằng "đây là các hộ mưu sinh nhỏ lẻ, cần tiếp tục nhắc nhở, giám sát". Riêng ông Hoàng Trọng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho rằng, đang có sự chồng chéo quá nhiều khâu trong trách nhiệm quản lý "miếng ăn" nên mãi gần 20 ngày sau khi phát hiện mới có quyết định đình chỉ 26 cơ sở này.
Cũng theo Ban quản lý chợ Tuy Hòa, sau kiểm tra cũng không có đơn vị nào hướng dẫn 26 cơ sở thực hiện đúng quy trình sản xuất, tổ chức giám sát thường xuyên. Vì vậy, Ban quản lý cũng cho rằng: "Cứ có vụ việc thì ồ lên, rồi sau đó mọi chuyện cứ lặng thinh như cũ…".