Dân Việt

Thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran

Quang Minh (tổng hợp) 25/11/2013 07:04 GMT+7
Rạng sáng 24.11, Iran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc Tehran tạm ngừng làm giàu uranium để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.
Chân trời mới của Iran- phương Tây

Sau gần một thập kỷ nỗ lực của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, thỏa thuận đạt được vào rạng sáng 24.11 (theo giờ Việt Nam) được xem là bước đột phá đầu tiên. Thỏa thuận này có một số điều khoản quan trọng, trong đó có việc Iran nhất trí ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu urani trên 5% và tháo dỡ những kết nối về kỹ thuật cho phép hoạt động làm giàu ở mức trên 5% trong vòng 6 tháng.

 Các trưởng đoàn đàm phán của Iran và nhóm P5+1 thông báo về thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán ở Geneva.
Các trưởng đoàn đàm phán của Iran và nhóm P5+1 thông báo về thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán ở Geneva.

Ngoài ra, Iran cam kết vô hiệu hóa kho urani được làm giàu lên cấp độ gần 20% bằng việc làm giảm mức độ này xuống, đồng thời sẽ không lắp đặt các máy ly tâm làm giàu urani mới và ngừng tiến trình chạy thử một lò phản ứng tại cơ sở Arak có thể chế tạo plutoni.

Cùng với những việc ngừng làm giàu uranium, nhóm P5+1 sẽ tạm dừng một số biện pháp trừng phạt đối với một số mặt hàng của Iran như vàng và kim loại quý, ô tô. Trong 6 tháng tới, sẽ chuyển cho Iran khoảng 4,2 tỷ USD đang bị phong tỏa do các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Tehran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã hoan nghênh thắng lợi của các nhà đàm phán, đồng thời tuyên bố rằng thỏa thuận này sẽ "mở ra các chân trời mới" cho sự hợp tác giữa Iran và phương Tây.

Vẫn còn nhiều lo ngại

Mặc dù các bên tham gia đàm phán bày tỏ sự vui mừng sự thành công bước đầu về chương trình hạt nhân Iran, tuy nhiên, nhóm P5+1 thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều thách thức lớn trong các vòng đàm phán về hạt nhân Iran trong tương lai. Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh thỏa thuận tạm thời mang ý nghĩa lịch sử này là "bước đi đầu tiên quan trọng" hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt sự đối đầu nguy hiểm xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thừa nhận vẫn tồn tại những thách thức lớn trước thềm các cuộc đàm phán để đi đến một thỏa thuận toàn diện.

Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman cho rằng thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran đã trao cho Tehran "chiến thắng ngoại giao vĩ đại", còn Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz thì nhấn mạnh: “Chẳng có lý do gì để thế giới phải chúc mừng vì đó là một thỏa thuận tồi tệ”.

Trung Quốc cũng đã hoan nghênh thỏa thuận nói trên, đồng thời nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này sẽ "giúp bảo vệ hòa bình và ổn định ở Trung Đông".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân trên và nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên: "Không có ai thất bại, tất cả đều là người chiến thắng".