Dân Việt

Cán bộ hội lội ruộng, lên nương cùng nông dân

Kiều Thiện 25/11/2013 06:44 GMT+7
"Có Nhà nước giúp rồi, có ý thức vươn lên là xoá được nghèo, làm được giàu thôi. Mường Nhé tuy xa xôi nhưng cũng có những lợi thế riêng của nó" - lão nông Lò Văn Khao ở bản Mường Nhé, bảo.
Là vùng đất xa xôi nhất nơi cuối trời Tây Bắc của Tổ quốc- xã Mường Nhé còn nhiều khó khăn. Đời sống của bà con các dân tộc trong huyện luôn phải đối mặt với đói nghèo, lạc hậu và thiên tai.

Dạy nông dân cấy lúa, tra ngô...

Ông Chu Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Mường Nhé, tâm sự: Nhiều năm trước, nói đến Mường Nhé là người ta nghĩ đến khó khăn, thất học, cứu trợ, tắc đường... Nhưng những năm gần đây Mường Nhé đã có những thay đổi không nhỏ. Đường giao thông, điện sinh hoạt cùng nhiều tiến bộ xã hội đã được

Nhà nước đầu tư giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn cơ bản. Nông dân (ND) đã có những thay đổi lớn, được hỗ trợ nhiều vật chất và kinh nghiệm sản xuất mới phù hợp hơn. Hội ND các cấp và lực lượng khuyến nông luôn bám sát tới tận bản, giúp ND thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp với cây - con giống cũ sang sản xuất hàng hoá ngày một nhiều...

Nông dân xã Mường Nhé phát triển đàn gia súc hàng hoá.
Nông dân xã Mường Nhé phát triển đàn gia súc hàng hoá.

Đến thăm gia đình ND sản xuất giỏi Lò Văn Khao ở bản Mường Nhé, ông Khao tâm sự: Người dân ở nơi tận cùng Tổ quốc này bây giờ được quan tâm nhiều lắm. ND được vay vốn sản xuất, được hỗ trợ giống lúa, ngô, trâu, bò, lợn, gà; được Nhà nước xây cho cái mương dẫn nước, cái đường để đi, cái điện để thắp sáng và chạy máy móc... Nhưng quan trọng nhất là được tập huấn kỹ thuật khuyến nông.

Như tôi đây, chữ nghĩa chẳng biết gì mấy nhưng tin theo cán bộ, nghe theo cán bộ hướng dẫn mà làm cái trang trại này. Lúc đầu cũng đói khổ lắm nhưng cán bộ hội bảo: Phải quyết tâm thì mới có hiệu quả cao. Khó vốn thì vay Nhà nước, cái gì chưa hiểu thì hỏi cán bộ. Sau 3 năm ròng rã cải tạo hơn 2ha đất này, mấy năm nay trang trại cho thu cả trăm triệu đồng/năm.

Bản nào cũng có ND giỏi

"Ngày trước đi nghe tập huấn khuyến nông như vịt nghe sấm. Bây giờ cán bộ hội, cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ lắm, cùng ND lội xuống ruộng cấy lúa, lên nương tra ngô... nên ai cũng biết cách làm”.

Ông Lò Văn Khao

Đến với gia đình vợ chồng trẻ Sùng A Lý và Lý Thị Mạy, dân tộc Mông, ở bản Nậm San 1, thấy có nhiều con trâu, bò đang gặm cỏ quanh nhà. Anh Lý bảo: Từ khi về bản Nậm San ở, được cán bộ Hội ND hướng dẫn cách làm giàu bằng chăn nuôi gia súc, mình cũng ưng cái bụng, làm theo. Cán bộ giúp mình chọn giống trâu, bò; bảo mình cách làm chuồng trại tránh rét, tiêm phòng bệnh cho trâu, bò. Chỉ 5 năm, từ 3 con trâu, bò ban đầu, mình đã có đàn gia súc gần chục con đấy.

Ngày trước không biết làm ăn nên nuôi được con trâu lại phải bán để mua gạo. Giờ lương thực đủ ăn rồi, mình nhân trâu, bò thành đàn lớn, bán cả chục con một lúc thì sẽ mua được ô tô, máy cày... Nhiều hộ ở đây cũng làm như thế.

Chúng tôi trở lại UBND xã Mường Nhé, ông Chu Văn Sâm gật đầu: “Đúng là ND đã biết học tập nhau, thi đua nhau để xoá nghèo và làm giàu rồi. Các nhà báo cứ đến bản, dù là người Thái hay Mông, Dao hay Xá... bản nào cũng có nhiều điển hình sản xuất giỏi các cấp. Đấy là thay đổi lớn nhất của vùng đất này - đổi thay từ chính những người nông dân.