“Chúng tôi nhìn thấy thi thể ở dưới nước, ở trên cầu, dọc lề đường”, người đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ Philippines đau xót nói.
Tới nay, theo thông tin mới nhất từ chính phủ Philippines, ít nhất 1.774 nạn nhân đã bị xác định tử vong vì siêu bão Haiyan, tên địa phương là Yolanda.
Trong khi đó, giới truyền thông quốc tế dẫn lời cảnh sát Philippines cho biết, có thể số nạn nhân thiệt mạng thực tế phải là hơn 10.000 người.
Đối với những người sống sót ở thành phố Tacloban – nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của siêu bão Haiyan, cuộc sống chưa bao giờ lại khó khăn tới thế.
Không nhà cửa, mất người thân, hít thở bầu không khí ngập ngụa mùi nước thải và xác người chết. Và còn hơn thế, họ đang phải vật lộn từng giờ chống lại cơn đói, cơn khát.
Tình cảnh khốn khó đã vô tình biến họ từ những con người lương thiện trở thành tội phạm, sẵn sàng cướp bóc, hôi của để được tồn tại. Một tình trạng hỗn loạn, không luật pháp, không kỷ cương đã và đang hoành hành Tacloban.
“Ngay bây giờ, chúng tôi đang không có đủ nước. Có thể nước chúng tôi có được chẳng sạch sẽ gì, nhưng chúng tôi vẫn phải uống để tồn tại”, Roselda Sumapit – một nạn nhân may mắn sống sót sau cơn bão cho biết.
Chính phủ Philippines cho biết, 2,5 triệu nạn nhân nước này đang cần cứu trợ lương thực, trong đó có khoảng gần 300.000 phụ nữ có thai hoặc bà mẹ mới sinh con.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, khoảng 4 triệu trẻ em Philippines chịu ảnh hưởng của bão Haiyan. Các em đều đang thiếu sữa, lương thực và thuốc men cần thiết.
Hôm qua, 11.11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã chính thức công bố thảm họa quốc gia, ba ngày sau thiên tai kinh hoàng.
"Tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sẽ đẩy nhanh các nỗ lực giải cứu, khắc phục thảm họa, cũng như các hoạt động cứu trợ của chính phủ và khu vực tư nhân, trong đó có cả các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế", ông Aquino nói.
Trước lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Philippines, các quốc gia, tổ chức và cộng đồng quốc tế đang chung tay giúp đỡ nạn nhân siêu bão Haiyan ở Philipines bằng tiền mặt và hàng cứu trợ.