Cuối tuần qua, ba ngày sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã công bố văn bản dài 22.000 chữ, trình bày kết luận về “những vấn đề lớn liên quan đến cải cách sâu sắc, toàn diện” của đất nước.
Một trong những chủ trương cải cách thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, cũng như giới phân tích trong và ngoài nước là việc Trung Quốc sẵn sàng nới lỏng chính sách một con vốn tồn tại suốt ba thập kỷ qua. Theo đó, chính sách mới sẽ cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai trong trường hợp vợ hoặc chồng là con một trong gia đình.
Trung Quốc duy trì chính sách 1 con trong suốt 3 thập kỷ qua.
Trong khi đó, luật hiện hành chỉ cho phép có ngoại lệ đối với các gia đình dân tộc thiểu số, một số vùng nông thôn mà gia đình có con đầu là con gái, hoặc cả hai vợ chồng đều là con một trong nhà.
“Chính sách kế hoạch hóa gia đình sẽ được điều chỉnh và cải thiện từng bước để thúc đẩy sự phát triển cân bằng dài hạn về dân số ở Trung Quốc”, Tân Hoa Xã khẳng định.
Từ góc độ chuyên môn, các nhà phân tích cho rằng, đây là một bước đi tỉnh táo của Trung Quốc trong việc ngăn chặn tốc độ già hóa dân số và nguy cơ tuột dốc của nền kinh tế.
“Không còn phải lo ngại về tình trạng dân số già ở Trung Quốc nữa. Việc nới lỏng này là một biện pháp dài hạn”, bà Hoan Kaufan - Giám đốc Trung tâm Columbia toàn cầu tại Bắc Kinh đánh giá.
Hồi đầu năm, các quan chức điều tra dân số cảnh báo, lực lượng lao động của Trung Quốc đã bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng.
Liên Hợp Quốc dự báo, cứ theo đà này, từ năm 2010 tới năm 2030, số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc (15-64 tuổi) sẽ giảm 67.000 người – tức là nhiều hơn cả dân số Pháp.
Cùng với đó, lượng người già sẽ tăng đột biến, từ 110 triệu người năm 2010 lên con số 210 triệu người vào năm 2030, và rất có thể sẽ là ¼ dân số vào năm 2050.
Các nhà nhân khẩu học Trung Quốc lo ngại, nếu không có sự thay đổi quyết liệt trong chính sách kế hoạch hóa gia đình, Trung Quốc sẽ đi theo vết xe đổ của Nhật Bản – nền kinh tế từng bị Trung Quốc “vượt mặt” vì gánh nặng dân số già.
“Đây là một thời khắc lịch sử đối với chính sách dân số khắc nghiệt này”, chuyên gia nhân khẩu học Wang Feng nói.
Việc cho phép nhiều hơn các cặp vợ chồng sinh con thứ hai cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn nạn xã hội như: mất cân bằng giới tính, nạo phá thai, và cả tình trạng quan chức ép phụ nữ triệt sản để tránh ảnh hưởng tới thành tích địa phương.
Theo số liệu năm 2012, tỷ lệ trẻ sơ sinh ở Trung Quốc là 118 bé trai trên 100 bé gái. Số ca nạo phá thai phần lớn được thực hiện sau khi kết quả siêu âm hoặc bắt mạch chứng minh giới tính nữ.