Dân Việt

Lợi thế của vùng ĐBSCL chưa được nêu bật

Đức Khánh 20/11/2013 09:19 GMT+7
Ngày 19.11, tại TP.Cần Thơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo tham vấn để đánh giá Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu phát triển tổng quát là xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; phát triển kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. ĐBSCL sẽ là địa bàn cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

TS Dương Văn Ni – Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Quy hoạch sử dụng nguồn nước luôn nhắm đến mục tiêu là ngăn chặn nước lũ và nước mặn, ít quan tâm đến quy luật thủy văn của ĐBSCL”.

Nhận xét vai trò, quan điểm và mục tiêu trong bản quy hoạch tổng thể phát tiển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhiều đại biểu chỉ ra một số bất cập: Phần phân tích lợi thế của vùng ĐBSCL còn quá sơ sài, chưa nêu hết tiềm năng của vùng. Thiếu phân tích các nghịch lý nội tại ở vùng ĐBSCL và so với các vùng khác và cho toàn quốc. Thiếu phân tích các khó khăn, các mối đe dọa về nguồn nước – biến đổi khí hậu, nguồn phù sa và nguồn cá khi xuất hiện ngày càng rõ nét của các tác động xuyên biên giới như: Các đập thủy điện ở thượng nguồn, sự chuyển dòng chảy sông Mekong, việc mở rộng diện tích canh tác mùa khô và các hoạt động công nghiệp dọc theo sông Mekong…