Dự án có nhiều cái “nhất”
Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước sau khi nghe các chuyên gia cùng các bộ, ngành báo cáo về tính khả thi của dự án và tiếp sau đó là chuyến thị sát Dung Quất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tháng 8-1994.
Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Năm 1998, sau khi chọn Nga làm đối tác của dự án này với số vốn 1,5 tỷ USD, lễ khởi công xây dựng nhà máy được tiến hành. Thế nhưng, những trục trặc “ngoài mong đợi” của Liên danh Vietross này đã khiến cho dự án phải “treo” và cuối cùng đi đến giải thể để đến năm 2005 mới tái khởi động. Trong 7 năm “lình xình” ấy là quãng thời gian mà Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cũng như các cơ quan truyền thông tốn nhiều giấy mực nhất về dự án này. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra tại các diễn đàn: Liệu xây nhà máy lọc dầu tại Dung Quất có mang lại hiệu quả kinh tế không một khi cơ sở hạ tầng tại đây là con số không? Lấy nguồn tiền nào để thực hiện dự án hàng tỷ USD trong khi cuộc khủng hoảng tài chính trên khắp thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng?
Thế nhưng, cuối cùng, Quốc hội cũng thông qua và Chính phủ vẫn quyết tâm chọn Dung Quất làm nơi đặt nền móng cho ngành lọc hóa dầu còn non trẻ của đất nước. Số vốn không phải 1,5 tỷ USD như ban đầu mà vọt lên đến 2,5 tỷ USD. Đây là dự án do VN tự đầu tư với số vốn lớn nhất từ trước cho đến thời điểm đó. Thời gian dài nhất, tốn nhiều công sức nhất và tiền cũng nhiều nhất, đó là những điều mà ai cũng biết mỗi khi nhắc đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Hiệu quả đã rõ
Với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã giải quyết được 30% nhu cầu nhiên liệu xăng dầu của đất nước, góp phần đáng kể vào việc giảm nhập siêu cho quốc gia. Qua 2 năm chạy thử và sản xuất các loại sản phẩm bán ra thị trường, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chứng minh điều mà nhiều người còn phân vân trước đó: Đã có lãi từ các loại sản phẩm do chính nhà máy sản xuất.
Ông Nguyễn Hoài Giang - Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, sau 10 năm vận hành, nhà máy lọc dầu sẽ trả hết nợ. Ông Giang cũng cho biết thêm, nợ có thể thanh toán sớm hơn nếu thị trường nhiên liệu không có những diễn biến bất lợi.
Một dự án lên đến gần 50.000 tỷ mà trả “hết nợ” trong 10 năm thì hiệu quả của nó không phải bàn nữa. Chỉ tính riêng nguồn thu ngân sách tại Quảng Ngãi trong năm 2010 này, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đóng góp trên 14.000 tỷ trong tổng số 15.600 tỷ mà tỉnh này thu được!
Nhưng có lẽ, cái “được” lớn nhất mà nhà máy này mang lại, đó chính là dự án lọc dầu đã kéo theo nó hàng loạt các “bạn hàng” ngay tại Dung Quất. Sau khi nhà máy lọc dầu tái khởi động, trong vòng 5 năm qua, Khu kinh tế Dung Quất đã hút về nó hàng chục dự án, với số vốn lên đến 10 tỷ USD, “qua mặt” tất cả các tỉnh miền Trung hiện nay. Chính vì vậy, Chính phủ xác định, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn là đòn bẩy cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện tại.
Nhìn ở tầm “vĩ mô” là vậy, còn nhìn ở góc độ “hẹp” thì chính nhà máy lọc dầu đã mang lại một bộ mặt mới cho cả một vùng đất bời bời cát trắng này. Trong số trên 1.000 cán bộ công nhân viên của nhà máy lọc dầu thì con em Quảng Ngãi chiếm đến 550 người rồi.
“Tàu đã vào ga” và bắt đầu một hành trình mới, chắc chắn đích đến của dự án khổng lồ này không gì khác là làm thay đổi triệt để bộ mặt đói nghèo không chỉ cho vùng đất Bình Sơn hay Quảng Ngãi mà cho cả miền Trung nữa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dung Quất có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế
Hôm qua (6- 1), phát biểu tại buổi lễ khánh thành nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thủ tướng yêu cầu PVN phải quản lý và vận hành thật tốt để nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh Quảng Ngãi, PVN, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có trách nhiệm tiếp tục chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đồng bào phải tái định cư.
Công Xuân
Hà Nhiên