Có âm thanh ta nghe được bằng ký ức riêng của một vô thanh mà lay động lạ lùng. Có âm thanh ta cảm nhận được bằng trải nghiệm sống qua bao biến đổi thăng trầm. Cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn khi một ngày ta có thêm niềm vui nho nhỏ khi sống hoà mình với thiên nhiên dệt vào thiên nhiên những sợi nhớ, sợi thương. Và tiếng mưa chính là cái sợi trong suốt mềm mại neo giữ trong ta bao kỷ niệm.
Bất chợt chiều nay có tiếng Hoạ mi hót sau những ngày nắng ở chiếc lồng
treo trước hiên nhà. Không hiểu sao Hoạ mi lại hót trong mưa và chỉ
trong mưa Hoạ mi mới hót hay. Có gì bí ẩn giữa tiếng mưa giao thoa đất
trời với tiếng chim líu ríu chuyện trò như trẻ nhỏ. Trong tôi bỗng ngân
lên câu hát: "Tiếng mưa như tiếng tằm ăn".
Một vẻ đẹp phồn thực ám ảnh tâm thức Việt bởi nương dâu bãi lúa, bởi tiếng tằm ăn rỗi rào rào để chuốt bao nong kén óng ả. Tiếng mưa đã dệt lụa với tiếng thoi đưa kết nên một mùa vàng no ấm.
Tôi đã từng đi qua những cơn mưa Huế dầm dề ngày này sang ngày khác rả rích không ngớt. Tiếng mưa Huế cũng nghe ai oán như điệu Nam Ai, Nam Bằng. Tôi đã từng gặp cơn mưa Sài Gòn ào đến rồi chợt tạnh, lặng phắc, bàng hoàng. Và tiếng mưa cũng như tiết tấu cuộc sống của thành phố công nghiệp năng động này.
Tôi đã từng sững sờ trước vẻ đẹp của màn mưa bụi bay bay ở phố núi ven những sườn đồi đẹp kỳ ảo như bức tranh thuỷ mặc. Tôi đã từng chạy chân trần trên những khóm ruộng trơ rạ và nứt nẻ của mùa hạn cháy miền Trung để rồi ngóng đợi cơn giông âm ỉ cuối trời đến sốt ruột đổ ào xuống cơn mưa mà có cảm giác mỗi sợi mưa thấm xuống đất đai khô hạn sẽ chồi lên những đọt mưa trong suốt, ngơ ngác nhìn của những mắt lá đậu, lá lạc.
Và tuổi thơ tôi đã lăn lóc cùng giỏ đựng cua, đựng cá hồ hởi reo vang cùng bầy trẻ làng. Cả thân mình đẫm bùn đắp đập be bờ bắt những con cá rô căng phồng bụng trứng, cả dải trứng cá chạy vào cái giỏ ký ức tuổi thơ để sinh sôi, để nảy nở, để tắm gội, để thanh lọc, để ngấm vào mình cái vị đầm đậm phù sa của đứa con nhà nông. Và tôi biết có bao chàng trai con nhà nông nòi ấy đã lớn lên với màu tóc còn khét nắng, kẽ mép móng tay móng chân còn lấm bùn trở thành những người lính ra giữ đảo Trường Sa khao khát những cơn mưa nước ngọt.
Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha có bài thơ được giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ "Những giọt mưa đồng hành". Người lính ấy đi trong mưa trên phố. Và trong con người anh vụt hiện ra đồng hành với anh là những đứa trẻ là người nông dân bởi ẩn giấu đằng sau màu áo xanh phập phồng ấy là trái tim của người lính thuần Việt. Mưa với anh chính là sự giao cảm giữa con người với đất đai vũ trụ.
Người lính ra trận vì sự sống của con người, vì vẻ đẹp trong trẻo, tươi tắn, nguồn cội của thiên nhiên. Nếu không còn sức sống nào trỗi dậy sau mưa, níu kéo sau mưa và cộng hưởng sau mưa để thăng hoa hơn, thuần khiết hơn thì trái đất này, sự sống này sẽ buồn biết mấy.
Còn nghe được tiếng mưa, còn khao khát tiếng mưa là còn khát vọng tránh được sự vô cảm của đồng loại ngày càng có nguy cơ gieo mầm mống và mọc tràn lan như cỏ dại. Được nghe tiếng mưa thẩm thấu qua mình được vỡ oà thoảng thốt, được nếm những đọt mưa ngọt mát, được choàng tấm áo mưa tinh khiết tôi như đứa trẻ lại được hồi sinh.
Chợt nhớ câu thơ tôi viết đã lâu khi từ cánh rừng của chiến tranh trở về thành phố: "Khi cánh rừng lùi lại phía sau lưng - Cơn mưa sớm không bất ngờ như trước" khi cảm thấy mình lẻ loi, choáng ngợp trước khoảng trống mênh mông của cuộc sống đời thường và may thay tiếng mưa đã giữ lại cho tôi sự cân bằng, sự cộng hưởng gắn kết với cộng đồng...