Thế nên, tròn 6 năm tôi về công tác ở Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) thì đã có 4 lần tôi nhận được điện thoại chúc mừng sinh nhật từ công đoàn cơ quan khi đang tác nghiệp ở vùng bão lũ...
Cộng tác viên mùa lũLà phóng viên thường trú ở một tỉnh như Quảng Bình, có lẽ mùa mưa lũ là thời điểm mà tôi bận rộn, vất vả nhưng cũng có nhiều kỷ niệm và lo lắng nhất. Tôi còn nhớ như in, bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên NTNN là một bài viết về lũ.
Năm 2006, khi đang là phóng viên Báo Quảng Bình, tôi cùng 2 đồng nghiệp khác ở Báo Sài Gòn Giải Phóng và Báo Lao Động đã có hơn 4 giờ đồng hồ vượt lũ vào 3 bản của đồng bào Rục bị cô lập do lũ vây hàng tháng trời. Vào đó, tôi đã tìm hiểu cuộc sống khó khăn của đồng bào Rục bị lũ vây và viết bài cho Báo Quảng Bình.
Vì lý do “nhạy cảm”, bài báo của tôi sau đó đã bị rút vào phút chót khi sắp sửa đi in. Còn 2 bài báo của đồng nghiệp tôi ra vào sáng hôm đó đã gây nên một cơn “địa chấn” lúc bấy giờ…
Phóng viên Phan Phương (phải) vượt lũ vào bản Rục năm 2006.
Sáng hôm sau, đang buồn vì sản phẩm của mình không được sử dụng thì tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Hà Nội. Đầu dây bên kia, người gọi giới thiệu là anh Đức Nguyện – Phó Tổng biên tập Báo NTNN và đề xuất tôi viết bài cộng tác với báo về vụ “đồng bào Rục”.
Quả thật lúc đó, tôi biết ít về tờ báo NTNN, nhưng tôi vẫn gửi bài cho anh Nguyện vì tiếc công sức khi sản phẩm không được đăng. Tiếp ngày hôm sau, dù muộn hơn báo bạn một ngày nhưng bài báo của tôi cũng được NTNN đăng rất trang trọng.
Cũng từ đó tôi bắt đầu làm cộng tác viên cho NTNN. Là một phóng viên báo địa phương, khi viết cho một tờ báo trung ương như NTNN, quả thật lúc đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn do “gu” 2 tờ báo khác nhau. Thế nên, nói cộng tác viên như vậy nhưng trong năm có bài nào hợp “gu” tôi mới gửi cho NTNN. Chỉ khi đến mùa mưa bão, thì tôi mới thực sự là một cộng tác viên tích cực của NTNN.
Những ngày xảy ra bão lũ, buổi sáng tôi thường nhận được điện thoại của các thư ký tòa soạn đặt hàng viết bài. Những ngày đó, dù vẫn bận công việc ở Báo Quảng Bình nhưng tôi vẫn dành thời gian và hoàn thành tốt những bài viết ở Báo NTNN. Những bài báo trên báo NTNN ngày đó không phải là chỉ tiêu, cũng không đơn thuần là nhuận bút, mà nó là “thước đo” giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề báo. Tôi còn nhớ, mùa lũ năm 2008, tôi đã viết rất nhiều bài có chất lượng trên báo NTNN. Dù khi đó chưa là phóng viên của NTNN nhưng tôi vẫn được khen thưởng...
Đón sinh nhật trong lũ Năm 2009, tôi chính thức bước vào mái nhà NTNN với công việc làm phóng viên thường trú ở tỉnh Quảng Bình. Không biết “duyên số” thế nào mà mẹ tôi lại sinh tôi ra vào tháng 10, thời điểm mà Quảng Bình quê tôi thường phải hứng chịu những cơn bão lũ kinh hoàng nhất. 6 năm về công tác ở NTNN thì đã có 4 lần tôi nhận được điện thoại chúc mừng sinh nhật của công đoàn cơ quan khi đang tác nghiệp ở vùng tâm lũ.
Năm nay, bão số 10 lại đổ bộ vào Quảng Bình đúng vào tháng 10. Đang đi trao quà cứu trợ với chị Lê Minh - Trưởng ban Bạn đọc ở xã Ngư Thuỷ Bắc thì nhận được điện thoại chúc mừng của anh Tuấn Anh - Chủ tịch công đoàn cơ quan, tôi mới sực nhớ hôm nay lại là sinh nhật của mình!
|
Ngày 4.10.2010, sau 1 ngày tác nghiệp ở vùng lũ, tôi về đến thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) trời bắt đầu tối. Không thể về nhà được, tôi đến trọ ở một nhà nghỉ gần chợ Ba Đồn. Đến 2 giờ sáng (ngày 5.10), điện bỗng vụt tắt, nghe tiếng la hốt hoảng, tôi chạy xuống thấy nước đã băng vào hiên nhà nghỉ lúc nào, chung quanh bà con bồng bế, dắt dìu nhau chạy như chạy loạn…
Sáng hôm sau, cả thị trấn Ba Đồn như chìm trong nước, tôi và hàng ngàn người dân khác bị lũ vây ở cái gò đất rộng chừng 1km2. Mưa vẫn không ngớt, nước lũ tiếp tục dâng cao. Cả đêm dầm mưa, cả người tôi hầu như bị ướt sũng, điện thoại, máy ảnh đều bị nước mưa làm ướt không thể hoạt động được.
Ruột gan tôi nóng ran, làm thế nào để đưa tin về toà soạn trong hoàn cảnh này. Cuối cùng tôi nghĩ chỉ còn cách là đọc qua điện thoại. May mà thị trấn vẫn có cái bốt điện thoại công cộng. Tôi gọi cho anh Cẩm Châu (Phó Văn phòng đại diện miền Trung) và được anh “ok”. Tôi đọc, anh Châu chép… Sáng hôm sau, trên mặt báo, bài “Nước mắt Ba Đồn” đã phản ảnh được sức tàn phá khốc liệt của cơn lũ…
Trận lũ đầu tháng chưa kịp rút hẳn thì giữa tháng 10 năm đó, từng cơn mưa như trút nước lại tiếp tục đổ xuống, nước lũ lại nhấn chìm nhiều vùng quê Quảng Bình. Sáng 15.10, tôi nhận được điện thoại chúc mừng sinh nhật từ công đoàn cơ quan, chưa kịp chia vui cùng bạn bè, vợ con, tôi lại phải khoác ba lô, ngược lên Minh Hoá vì biết được thông tin 3 bản đồng bào Rục đang bị cô lập vì mưa lũ cả tháng nay.
Ở thời điểm đó, ngoài các chiến sĩ biên phòng có lẽ tôi là phóng viên đầu tiên vượt lũ vào ốc đảo này. Tôi ở lại bản của người Rục trong đêm tối mịt mùng và từng trận mưa như trút nước vẫn không ngừng trút xuống. Chứng kiến cuộc sống khó khăn của người Rục khi bị lũ vây mà quặn lòng. Trở về từ bản Rục, tôi viết phóng sự “Vào ốc đảo cứu người Rục” và bài viết của tôi đã được Tổng Biên tập Lưu Quang Định nhắn tin khen, động viên…
Năm nay, bão số 10 lại đổ bộ vào Quảng Bình đúng vào tháng 10. Đang đi trao quà cứu trợ với chị Lê Minh - Trưởng ban Bạn đọc ở xã Ngư Thuỷ Bắc thì nhận được điện thoại chúc mừng của anh Tuấn Anh - Chủ tịch công đoàn cơ quan, tôi mới sực nhớ hôm nay lại là sinh nhật của mình! Thời điểm ấy cũng là lúc cơn bão số 11 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, còn Quảng Bình thì bị lốc xoáy, ngập lũ…