Vì không có tiền đóng họcSáng 26.1.2013, tôi đang ngồi uống cà phê thì một đồng nghiệp ở Đài PTTH Phú Yên gọi điện báo: “Sáng nay đi bộ tập thể dục, mình nghe chị bạn nói có cậu học sinh treo cổ nhưng chết hụt”. Nếu phản xạ thường tình thì “tự tử hụt có gì mà đưa tin”, thế nhưng tôi hỏi: “Sao vậy?”, thì được trả lời: “Nghe đâu không có tiền đóng học phí…”. Thế thì “to chuyện” rồi! Tôi lao vội ra đường ngay sau cuộc điện thoại.
Tức tốc đến hiện trường, tôi thấy quả là “có chuyện”. Cả khu phố 6, phường 4 TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đang tụ tập và bàn tán xôn xao trước ngôi nhà lụp xụp của bà cháu em Nguyễn Chí H (20 tuổi, đang là học sinh lớp 12). Sợi dây thòng lọng đỏ chói vẫn còn phất phơ trên cây sầu đông cổ thụ trước nhà, ở độ cao khoảng 10m. Đó là sợi dây do em H tự tay buộc lên để treo cổ tự vẫn nhưng “nhờ trời”, bị trượt thế nào đó mà H rơi xuống cái thùng rác bên dưới và được hàng xóm phát hiện; nơi cổ em vẫn còn vết hằn dài do tiếp xúc thòng lọng.
Bà nội H - cụ Phan Thị Đặng đã già yếu, mất sức lao động. Ảnh nhỏ: Bài báo từ vụ việc em H quyên sinh đăng trên Báo NTNN ngày 27.1.2013.
Trao đổi với bà cháu H và hàng xóm, lãnh đạo địa phương thì được biết: Bà nội H là cụ Phan Thị Đặng đã quá già yếu (86 tuổi), bố mất sớm, mẹ nuôi đàn con đông, H học khá và làm thuê đủ thứ nhưng không đủ tiền để sinh sống, đóng phí học thêm. Thế là H cùng quẫn, lặng lẽ bứt quai túi xách, thắt thòng lọng treo cổ… Riêng H, khi tôi tiếp xúc hỏi chuyện thì em chẳng muốn nói gì, tỏ ra hết sức buồn bã…
Gọi điện báo cáo phụ trách Văn phòng Miền Trung và thư ký tòa soạn, tôi nhận được chỉ đạo: “Viết bài sâu, nộp ngay càng sớm càng tốt, khai thác theo hướng nên có sự trợ giúp từ nhà trường và xã hội để gia đình em vượt qua hoàn cảnh này”. Thế là tôi cùng đồng nghiệp phóng xe máy đi làm việc tiếp với Ban giám hiệu trường H đang học và đại diện Sở GDĐT Phú Yên; họ nói sẽ rà soát, rút kinh nghiệm nghiêm túc từ vụ việc này. Xong phần tư liệu, tôi ngồi tác nghiệp ngay ở quán cà phê. Sáng hôm sau, 27.1, Báo NTNN đăng bài “Đau lòng chuyện trẻ quyên sinh”, rồi bài báo được đưa lên báo Điện tử Danviet.vn, gây xúc động nhiều người…
Sau đó vài ngày, một người hàng xóm của bà cháu H là bà Diệp Thị Điệp -cán bộ Mặt trận Khu phố 6, cho biết, đã có trên 20 triệu đồng cùng nhiều gạo, quà gửi đến bà cháu em H ngay những ngày giáp Tết Quý Tỵ. Có dịp trở lại quán cà phê cạnh nhà em H, chúng tôi nghe những lời khen tấm tắc từ người dân: “Quý hóa quá tấm lòng “Trời, Phật” của các nhà báo Báo NTNN… Cuộc sống của bà cháu thằng H đã thay đổi từ một bài báo!”. Đến lúc này, bà cháu em H đã có thêm rất nhiều sự trợ giúp tinh thần, vật chất từ những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước.
Một cuộc đời khácHơn 10 tháng sau khi bài báo về vụ tự tử hụt của em H, trở lại Khu phố 6, chúng tôi vui mừng được biết H vừa thi đỗ vào Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh và đã lên đường nhập học được vài tháng nay. Gia đình cho biết, H lúc này đang khá háo hức hòa nhập với cuộc sống xa nhà, cố gắng khẳng định mình trong học tập. Ngoài giờ học, H tranh thủ làm thêm để góp phần trang trải cuộc sống, bởi gia đình và người thân ở quê đều khó khăn nhiều bề.
Có dịp trở lại quán cà phê cạnh nhà em H, chúng tôi nghe được những lời khen tấm tắc từ người dân: “Quý hóa quá tấm lòng “Trời, Phật” của các nhà báo Báo NTNN… Cuộc sống của bà cháu thằng H đã thay đổi từ một bài báo!”.
|
“Như vậy là mừng phần nào rồi. Mong em nó cứng cỏi, gắng học nên người. Biết em có hoàn cảnh đặc biệt nên bà con trong khu phố luôn quan tâm theo dõi, giúp đỡ. Với tình cảnh như em H, mọi việc tác động đều phải hết sức tế nhị khéo léo mới có hiệu quả tích cực. Bởi em rất dễ bị tổn thương. Bà con gần gũi gia đình em H đều rất cảm ơn các nhà báo NTNN…” - bà Diệp Thị Điệp nói.
Nhìn lại, trong quá trình tác nghiệp, tôi và tòa soạn đã thống nhất quan điểm nêu vấn đề vụ việc đúng sự thật, không giật gân nhưng phải lay động lòng người, bởi “lấy nước mắt” người đọc là điều không đơn giản. Quan trọng hơn, từ bài báo về một vụ việc đau lòng, những số phận đang gặp éo le sẽ nhận được sự hỗ trợ đúng lúc và kịp thời từ cộng đồng và xã hội. Bởi nếu khi ấy, nếu bài viết được khai thác theo hướng nêu sự việc kiểu “giật gân, câu khách” mà không nhấn mạnh đến yếu tố tình người thì hậu quả có thể rất khó lường. Có thể H sẽ không có được sự trợ giúp ấm lòng từ bạn đọc, có thể em và gia đình sẽ tổn thương, từ một học sinh có học lực khá, cậu bé sẽ nản chí và có thể ảnh hưởng đến kết quả của kỳ thi đại học.
Từ sức lan tỏa của bài báo, tôi cùng một số đồng nghiệp đã trao đổi, rút ra đôi điều sâu sắc của nghề báo: Phải luôn nhanh nhạy nhưng cần những phút tỉnh táo, “lắng lòng” để cái nhìn nhân văn “lên ngôi”, nhất là khi đối diện với những số phận nghiệt ngã…