Dân Việt

Dòng họ có 21 thế hệ giữ nghề tranh Đông Hồ

LV 30/10/2013 06:54 GMT+7
Mỗi thế hệ người Việt không còn lạ lẫm gì với tranh Đông Hồ. Ngay từ thuở bé, trong nhiều gia đình Việt đã có treo bức tranh như đám cưới chuột, cá chép, gà trống… ở nơi trang trọng.
Về với làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) – ngôi làng sản sinh ra nghề tranh Đông Hồ nhưng dường như đã khuất bóng những bức tranh cổ. Cả làng hiện giờ chỉ còn 2 gia đình theo nghiệp làm tranh.

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - người đã dày công giữ hồn cho tranh Đông Hồ. Bước vào trong ngôi nhà nhỏ tràn ngập tranh Đông Hồ, ông Chế cùng con cháu đang làm những công đoạn cuối cùng để hoàn thành những bức tranh Đông Hồ.
Công đoạn cất nét tranh Đông Hồ.
Công đoạn cất nét tranh Đông Hồ.
“Gia đình tôi có 21 thế hệ nối tiếp nhau theo nghiệp làm tranh Đông Hồ. Theo những biến cố của thời gian, có những lúc tưởng rằng nghề làm tranh đã mất hẳn. Nhưng nặng lòng với truyền thống, đại gia đình tôi cùng nhau quy tụ để khôi phục lại nghề xưa”, ông Chế chia sẻ.

Người con trai út của ông Chế là Nguyễn Đăng Tâm là người theo nghề sớm nhất trong gia đình. Học xong cấp 3, anh không tiếp tục học lên mà ở lại quê hương cùng gia đình phục hồi nghề truyền thống.

Nghề làm tranh Đông Hồ bắt đầu từ thế kỷ XVI, nhưng do tác động của thời kì bao cấp đã khiến nghề tranh dường như mai một dần. Gia đình ông Chế cũng không làm tranh nữa.

Anh Nguyễn Đăng Tâm chia sẻ: “Năm 1991, sau nhiều năm sưu tầm các bản khắc gỗ và chuẩn bị những điều kiện cần thiết. Gia đình tôi bắt đầu làm tranh. Những tháng ngày đầu tiên, công việc vất vả vô cùng, có lúc tưởng như kiệt sức phải bỏ nghề. Khổ nhất là việc sưu tầm các bản khắc gỗ và khâu tiêu thụ sản phẩm. Không phụ lòng người, sau những năm tháng vất vả, giờ đây gia đình tôi đã ổn định được công việc”.

Đại gia đình ông Chế giờ có gần 20 người gồm anh chị em và con cháu cùng nhau làm nghề. Cuộc sống cũng dần khá lên cùng với sự phát triển của nghề làm tranh. Làng nghề của gia đình ông vừa sản xuất, vừa là nơi cho khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Gian nan giữ hồn tranh

Để làm nên một bức tranh Đông Hồ phải trải qua nhiều công đoạn nhưng 3 công đoạn khó khăn nhất là đục bản khắc gỗ, bồi giấy điệp và quét mầu. Anh Tâm cho biết: “Khổ nhất là việc đục bản khắc gỗ bởi công đoạn này yêu cầu người thợ phải khéo tay, cẩn thận tỉ mỉ và có chút năng khiếu nghệ thuật. Muốn trở thành người thợ khắc gỗ giỏi phải có ít nhất từ 3 đến 4 năm kinh nghiệm. Những người như vậy giờ hiếm lắm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay thôi”.

Công đoạn bồi giấy điệp phải làm vào những ngày nắng nhưng không có gió. Có những hôm bồi giấy, gió nổi lên làm bay khắp 4 phía, mọi người phải chạy loạn hết lên mới cất đi được. Với việc quét mầu, bức tranh có bao nhiêu mầu mình phải có bấy nhiêu bản khắc. mà việc đục được bản khắc đâu phải chuyện dễ dàng.

Hai năm gần đây, khủng hoảng kinh tế tác động nhiều đến nghề của gia đình. Lượng khách du lịch tham quan và mua tranh giảm rõ rệt. Việc xuất, bán tranh ra nước ngoài và lên các trung tâm trên Hà Nội cũng khó khăn vô cùng.

Giá cả mọi vật liệu làm tranh tăng lên nhanh chóng, còn giá bán tranh không thể tăng theo. Những người thợ đều là anh em trong gia đình và có niềm đam mê với nghề nên mới vượt qua được, chứ không một lần nữa nghề lại thất truyền.
img

Để giữ nghề truyền thống, các thành viên trong gia đình đều ý thức dạy cho các con của mình ngay từ thuở bé về truyền thống, lòng yêu nghề và ý thức giữ gìn để nghề không bị mai một theo thời gian.

Gác con chữ để theo nghề

Bước xuống căn nhà lá phía cuối của khu sản xuất, hai người thợ đang mồ hôi nhễ nhại, cần mẫn đục từng nét trên bản khắc gỗ. Được biết hai anh là Nguyễn Hữu Hạnh (39 tuổi) và Nguyễn Đức Tám (30 tuổi) đều cũng có hơn chục năm trong nghề.

Gác cây đục vào một bên, cầm chiếc khăn lau vội mồ hôi, anh Hạnh chia sẻ: “Tôi theo nghề hơn chục năm nay rồi. Học xong cấp III, gác con chữ tôi theo nghề này luôn. Công việc vất vả lắm, lương tháng cũng chẳng được là bao, nhưng vì niềm đam mê nó đã làm tôi không xa được nghề này. Suốt ngày làm bạn với cây đục, với khuôn gỗ, không có thời gian đi đâu nên nhiều khi bạn bè vẫn bảo là tôi “kết hôn” với cây đục rồi, không xa nó được”.

Ngồi phía bên cạnh là anh Chiến, anh đã theo nghề đã 20 năm và cũng đi làm ở nhiều nơi. Trước anh làm ở làng mộc Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) nhưng do cái duyên với nghề, anh lại quay về gắn bó với khung tranh cổ. Ngày ngày làm bạn với những con vật khắc họa trong tranh, anh lại thấy yêu hơn những giá trị truyền thống của ông cha từ ngàn đời.