Dân Việt

Chiếc chén sứ Bát Tràng và nỗi nhớ cố hương

ĐĐK 09/01/2014 14:02 GMT+7
Đã 20 năm ở bên xứ người, luật sư Đinh Viết Tứ cho biết, ông đã nếm trải không ít thăng trầm của cuộc đời, trong đó có những kỷ niệm quê hương, tình người, khiến ông rất xúc động và không bao giờ quên...
Năm nay, đã gần đến Tết cổ truyền, chúng tôi gọi vào số điện thoại di động (Luật sư Tứ sử dụng để liên lạc khi về Việt Nam) nhưng máy báo không liên lạc được. Có lẽ vì lý do nào đó ông vẫn chưa sắp xếp về thăm quê hương, thế nhưng chúng tôi dự cảm chắc chắn ông sẽ về.

Luật sư Đinh Viết Tứ
Luật sư Đinh Viết Tứ

Nhớ dạo Tết năm ngoái, Luật sư Tứ có mặt ở TP. Hồ Chí Minh từ trước lễ Giáng sinh, ông phấn khởi báo tin năm nay ông xin visa về nước được hơn 1 tháng nên có thời gian đón Tết cổ truyền dân tộc cùng bạn bè, người thân ở Việt Nam. Thấy ông khỏe mạnh, chúng tôi đã rất mừng vì cách đó vài tháng mọi người rất lo lắng khi hay tin sức khỏe ông không được tốt.

Thời gian đó ông đã phải hoãn chuyến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài. Vậy nên khi hay tin ông về nước dạo đó, mọi người trong đoàn ai cũng vui mừng. Vui bởi, sức khỏe của ông đã hồi phục và có thể đi lại bình thường, nhưng vui mừng hơn cả là chúng tôi có dịp gặp trực tiếp người lập đài "Tiếng quê hương”, từng gây tiếng vang trong cộng đồng kiều bào đang sinh sống và làm việc ở California (Mỹ).

Luật sư Đinh Viết Tứ sang Mỹ định cư cùng gia đình vào năm 1992, sau khi nhận bằng cử nhân luật tại Trường Luật khoa Sài Gòn và Trường Đại học Pháp Lý Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội), lúc này ông vừa bước sang tuổi 50.

"Thời gian đầu sang Mỹ, tôi rất háo hức và muốn đi dọc các tiểu bang phía Tây để tìm hiểu về đất nước này, nhưng lúc đó tiếng Anh chưa được tốt lắm. Tôi nảy ra ý định ghé các quán bar uống bia để nghe mấy ông cao bồi nói chuyện, vì hồi ở Việt Nam tôi nghe người ta bảo học tiếng bằng cách này thường nhanh hơn.

Nhưng tôi vẫn chưa biết cách nào để bắt chuyện với họ, và cảm giác thì hơi ngại. Tôi đánh liều tới các quầy bar, là nơi người ta tới để đặt rượu, hoặc bia từ những người pha chế. Tôi gọi một ly bia và khẩy tay ra hiệu mời anh ta. Chàng thanh niên cười và cảm ơn bằng tiếng Anh.

Sau những câu chào hỏi xã giao, chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau, và anh ta bảo rằng anh ta cũng biết về Việt Nam, dù chưa một lần sang thăm. Anh đến từ Westminster, một thành phố của Mỹ có tới 1/3 cư dân gốc Việt. Anh nói rất nhanh và đôi khi nói tắt theo cách người Mỹ nói chuyện, nhưng tôi nghe loáng thoáng anh ta bày tỏ có ấn tượng đặc biệt với tà áo dài của phụ nữ Việt”.

Trong một lần khác, ông Tứ ghé vào một quán nằm ven bờ biển. Đó là một thị trấn đa số dân lao động và làm nghề đi biển. Tuy vậy, trong quán rất đông đúc, và có một vài công nhân, quần áo nhiều dầu mỡ đã ngồi đó từ trước. Thấy ông Tứ là người có dáng dấp Á châu, vừa đi vào thì ai nấy đều hiếu kỳ nhìn theo. Ông Tứ thấy hơi bất ngờ, nhưng sau đó ông vẫn tìm được một chỗ cho mình, và gọi bia.

Ông Tứ cho biết, từ khi ở Việt Nam đã rất thích uống loại bia được mệnh danh là King of Beer của Mỹ, nhưng ông không nhớ rõ tên gọi là gì. Trong lúc đang băn khoăn không biết phải diễn tả thế nào thì bất ngờ một bồi bàn mang tới một cốc bia và nói rằng tôi được mời miễn phí. Ông chủ quán nói tất cả các chai bia đều do ông ấy thết đãi.

Cử chỉ đặc biệt khiến ông Tứ - Một công dân Việt Nam mới tiếp xúc với văn hóa Mỹ cảm thấy xúc động. "Tôi cứ nghĩ ở bên này họ sống thực dụng, hóa ra cũng có những nét mến khách đặc biệt. Để bày tỏ lòng cảm ơn, lúc ra về tôi đã gửi tặng ông chủ quán rượu một chiếc chén sứ Bát Tràng, và ông ta có vẻ rất thích món quà này”, ông Tứ cho biết.

Căn nguyên của món quà là trước khi lên phi cơ sang Mỹ, ông Tứ ra Hà Nội chia tay một số bạn bè thân thiết. Ông được bạn bè tặng món quà mang dấu ấn của Hà Nội và ông sẽ trưng nó tại tư gia bên Mỹ. "Thế nhưng, món quà ấy tôi nghĩ cũng sẽ đem lại niềm vui cho người bạn Mỹ mà tôi vừa quen”, ông Tứ nói.