Dân Việt

Ký ức đêm rực lửa!

CAND 03/02/2014 21:09 GMT+7
Đến nay, mặc dù hơn 50 năm đã trôi qua nhưng những ký ức hào hùng về trận đánh tại Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa (Long An) khiến bọn giặc khiếp sợ vẫn được lưu truyền qua nhiều câu chuyện kể.
Đêm 22, rạng sáng ngày 23.11.1963, Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa, Long An, một trong những căn cứ quan trọng được Mỹ và chính quyền Sài Gòn thành lập với quy mô lớn nhất vào năm 1963 tại miền Nam đã bị quân, dân tỉnh Long An tiêu diệt gọn.
Bắt sống 4 cố vấn Mỹ trong trận đánh Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa, Long An.
Bắt sống 4 cố vấn Mỹ trong trận đánh Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa, Long An.

Đây cũng là lần đầu tiên, 4 cố vấn Mỹ bị quân dân Long An bắt sống tại chiến trường Nam bộ đồng thời tạo cột mốc quan trọng, mở đầu cho cao trào phá ấp chiến lược tại Long An, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo thế và lực và cách mạng miền Nam.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, năm 1962, đầu năm 1963, phát huy khí thế của phong trào Đồng Khởi, cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam bùng lên mạnh mẽ trên khắp các vùng nông thôn. Mỹ và chính quyền Sài Gòn áp dụng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm bình định các vùng nổi dậy. Long An thuộc vùng trọng điểm đặc biệt mà chính quyền Ngô Đình Diệm xác định là “ưu tiên số 1” của chương trình ấp chiến lược.

Địch đã tăng cường nhiều lực lượng tinh nhuệ cùng phương tiện chiến tranh về Long An đồng thời tập trung quân đội tiến hành nhiều cuộc càn quét để cưỡng bức nhân dân vào định cư trong các ấp chiến lược và cô lập với cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Long An đã đưa ra phương hướng chỉ đạo nhằm đánh bại âm mưu bình định của địch: “Phá toàn bộ ấp chiến lược của địch, mở rộng căn cứ, khôi phục lại thế của vùng giải phóng, tạo điều kiện đẩy chiến tranh nhân dân lên một mước mới...”.

Từ quan điểm sử dụng đòn tiến công quân sự đi trước để tạo thế nổi dậy cho nhân dân trong cao trào phá ấp chiến lược, Tỉnh ủy Long An đã chỉ đạo lực lượng vũ trang chọn một mục tiêu quân sự tương đối lớn, đánh chắc thắng nhằm tác động mạnh mẽ đến tinh thần quân địch trong vùng, tạo nên sự tan vỡ dây chuyền đối với hệ thống đồn bót và ấp chiến lược.

Mục tiêu trong tầm ngắm là Căn cứ Hiệp Hòa, Trung tâm huấn luyện biệt kích có quy mô vào loại lớn nhất ở miền Nam và là nơi đào tạo cán bộ khung đại đội biệt kích Ngụy, do cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện, đồng thời là một cứ điểm quân sự hiện đại, khống chế vùng căn cứ cách mạng ở Đức Huệ (Long An) và án ngữ khu vực ngã ba của trục hành lang nối liền Đông Nam Bộ - Đông Nam Campuchia và đồng bằng Sông Cửu Long. Đại đội 1 cơ động - tiền thân của Tiểu đoàn 1 Long An được giao nhiệm vụ chủ công trong trận đánh căn cứ Hiệp Hòa.

Nhớ về trận đánh đặc biệt này của quân dân Long An, lúc sinh thời, Thiếu tướng Huỳnh Công Thân, người chỉ huy trực tiếp trận đánh, kể lại: Được thường vụ Tỉnh ủy nhất trí, việc tổ chức trận đánh được chọn vào đúng thời điểm kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23.11). Suốt một tuần chờ đợi, ai nấy đều hồi hộp.

Đêm 22.11, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính đã thức suốt đêm để chờ đợi nghe tiếng súng. Lực lượng công đồn gồm 4 đại đội, trong đó có 2 đại đội đặc công, 1 đại đội DDK75 của Quân khu 8 tăng cường, 1 phân đội hỏa lực cối 82. Để thêm phần chắc thắng, ông Huỳnh Công Thân đã mượn thêm Tỉnh đội Kiến Tường một phân đội trung liên 12 ly 7 của Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đại đội 2 của tỉnh mới thành lập nên làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài.

Đêm xuất trận, cán bộ chiến sĩ lặng lẽ hành quân, dưới ánh trăng, nét mặt ai cũng phơi phới, háo hức. Chiếm lĩnh trận địa, đặc công lặng lẽ cắt các hàng rào thép gai, dẫn xung kích tiến sâu vào tiếp cận mục tiêu.

Đúng 0h, đồng chí Vũ Điệp, chỉ huy phó điểm đánh dẫn tổ bộc phá đánh vào lô cốt. Bắt được ám hiệu, nội tuyến Ba Tô quay trở vào lô cốt quay nòng khẩu đại liên vào trong. Một nội tuyến khác dùng đèn pha rọi về trung tâm căn cứ. Đúng lúc này, một tiểu đội biết kích đi tuần tra tới, quát hỏi um xùm. Khi chúng còn cách khoảng 6-7m, đặc công và nội tuyến đồng loạt nổ súng tiêu diệt gọn rồi ôm bộc phá xung phong vào khu nhà chỉ huy Mỹ.

Khu nhà này chất các thùng đạn cao ngất ngưởng nên khi mìn nổ kéo theo cả “tường thành” này nổ tung. Điện tắt toàn bộ, đài thông tin vô tuyến điện của địch cũng bị phá huỷ. Căn cứ Hiệp Hòa rực lửa. Địch bị động, nhốn nháo.

Chớp thời cơ, bộ binh tràn vào, các mũi xung kích đánh ào ạt khiến địch không kịp trở tay. 1 cố vấn Mỹ bị sức nổ của bộc phá hất văng ra ngoài định trốn vào ống cống. 3 cố vấn Mỹ chui trong gầm xe bị các chiến sĩ bắt sống...

Chỉ trong khoảng nửa giờ đồng hồ, căn cứ biệt kích Hiệp Hòa đã tiêu diệt. Gần 90 địch bị tiêu diệt. Hơn 100 tên bị bắt sống, thu gần 800 súng các loại và gần 4 tấn đạn các loại. Tuy nhiên, với số tù binh bắt được, cán bộ binh vận tỉnh Long An chỉ phối hợp với bộ đội làm giáo dục rồi thả ngay tại chỗ. Riêng 4 cố vấn Mỹ được áp tải bằng xuồng máy về căn cứ của tỉnh...

Chiến thắng trận Hiệp Hòa đã mở ra thế phá ấp chiến lược của địch tại Long An. Chỉ mấy tháng sau đó, nối tiếp Hiệp Hòa, quân dân Long An đã tiêu diệt và bức rút hơn 60 đồn bót, giải tán khoảng 20.000 thanh niên chiến đấu của địch, phá tan 2/3 ấp chiến lược, mở một vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn trong toàn tỉnh...

Nhận định về vai trò, ý nghĩa của chiến thắng trận Hiệp Hòa, tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng trận Hiệp Hòa được tổ chức lại Long An (23.11.1963 - 23.11.2013), đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định: Thắng lợi của trận Hiệp Hòa đã đạt được tất cả các mục tiêu của Tỉnh ủy Long An đề ra, chứng minh tính đúng đắn của chủ trương và quyết tâm trong lãnh đạo của Tỉnh ủy Long An.

Đó là thành quả của sự hy sinh xương máu và tinh thần chiến đấu dũng cảm của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trận đánh này cho thấy trình độ tác chiến của các lực lượng vũ trang tỉnh Long An đã được nâng tầm để có thể hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu lớn hơn. Sự trưởng thành này được thể hiện bằng sự kiện chính thức thành lập Tiểu đoàn 1 Long An mà trong trận Hiệp Hòa còn là Đại đội 1 cơ động.

Chiến thắng Hiệp Hòa mang ý nghĩa rất to lớn, có tác động lớn, làm rung động tinh thần binh lính địch trong các đồn bót và ấp chiến lược trên cả một vùng rộng lớn, là sự mở đầu cho cao trào phá ấp chiến lược của quân và dân Long An, góp phần làm phá sản hoàn toàn quốc sách ấp chiến lược của địch ở một trong những địa bàn trọng yếu nhất của chúng, đồng thời thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, góp phần bẻ gãy kế hoạch Staly Taylor, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ... Đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ Long An trong lãnh đạo đấu tranh, xây dựng phong trào toàn dân đánh giặc, đặc biệt là lực lượng vũ trang Long An.

Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng trận Hiệp Hòa, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Long An ghi nhớ công lao, sự nghiệp và tấm gương các anh hùng, liệt sĩ, quân và dân trên mảnh đất Đức Hòa giàu truyền thống cách mạng, tiếp tục phát huy truyền thống Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, phát huy truyền thống cách mạng, học tập những tấm gương yêu nước sáng ngời, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dụng quê hương Long An giàu đẹp, góp phần cùng nhân dân cả nươc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...