Theo ông Quý, hố ga ngăn triều tự động này thiết kế khá đơn giản với 2 ngăn chính. Một ngăn được lắp đặt van, phao bằng nhựa ở bên trong. Ngăn còn lại có gắn một máy bơm nhỏ với nhiệm vụ bơm nước khi nước ngập nặng. Trời mưa, nước sẽ chảy vào ngăn thứ nhất của hố ga. Khi nước đầy ứ trong ngăn thứ nhất của hố ga, các van trong ngăn này sẽ nổi lên tự động đóng lại.
Hình ảnh mô phỏng hố ga ngăn triều và mưa lớn tự động.
Lượng nước mưa không vào được ngăn thứ nhất sẽ chảy tới ngăn thứ hai của hố ga này. Khi nước dâng lên đến một mức nhất định máy sẽ bơm nước từ ngăn thứ hai sang ngăn thứ nhất và chảy vào ống cống ra nơi tiếp nhận. Khi máy bơm đã bơm hết nước có trong ngăn thứ hai thì máy bơm tự động tắt, nó sẽ hoạt động tiếp nếu nước trong ngăn thứ hai lại đủ mức nước như đã thiết kế. Bên cạnh đó, với các van tự động, hố ga còn có chức năng ngăn không cho triều cường theo các đường ống thoát ra ngoài gây ngập cho đường phố.
Theo ông Phạm Ngọc Quý, hố ga ngăn triều tự động này có thể đưa ra áp dụng tại mọi điểm có nguy cơ ngập lụt. Khi thực hiện chỉ cần thay hố ga hiện hữu và giữ nguyên cống thoát nước có sẵn. Bên cạnh đó, trong hố ga có máy bơm tạo dòng chảy cưỡng bức tăng vận tốc tiêu thoát cuốn đẩy bùn lắng hỗn tạp, giảm việc công nhân phải nạo vét, giảm thời gian vận hành trạm bơm tổng thể, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và đảo lộn cuộc sống nhân dân.
Theo tính toán của ông Quý, chi phí đầu tư xây dựng, lắp đặt khá rẻ, khoảng 20.000.000 đồng/ga (gồm máy bơm). Chi phí vận hành (tự động) với công suất tiêu thụ điện nhỏ, khoảng 5kWh tiêu thoát 100m
3 nước.
“Mô hình này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN, cấp bằng sáng chế. Mới đây cũng đã được các chuyên gia của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đánh giá cao, đồng thời trung tâm cũng kiến nghị thành phố cho phép thực hiện thí điểm tại một khu vực ở quận 7” - ông Phạm Ngọc Quý cho biết.