Cuộc sống ốc nón sử dụng nọc độc của mình để làm tê liệt con mồi trước khi ăn thịt con mồi. Các chuyên gia đang cố gắng sử dụng nọc độc này để tạo ra một loại thuốc giảm đau mới cho con người. Theo các nhà khoa học, họ có thể phát triển một loại thuốc để điều trị đau thần kinh mãn tính dựa trên nọc độc của loài ốc nón này.
Tác giả chính của nghiên cứu - Giáo sư David Craik, từ Đại học Queensland tại Australia, nói: "Đây là một bước quan trọng trong việc phát triển một nhóm thuốc mới có khả năng làm giảm một trong các hình thức đau mãn tính nghiêm trọng nhất mà hiện vẫn đang rất khó điều trị".
Có hàng trăm loài ốc nón thường sống ở môi trường nước ấm và nhiệt đới như khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và bờ biển Cape của Nam Phi.
Nọc độc chứa hàng trăm loại protein nhỏ của loài ốc nón được gọi là conotoxins. Chất conotoxins có một tác dụng giảm đau ở người.
Giáo sư Craik và nhóm nghiên cứu của ông đã thử nghiệm loại thuốc được tạo nên từ chất conotoxins trên loài chuột.
Thí nghiệm trên chuột đã chỉ ra rằng loại thuốc này "làm giảm đáng kể cơn đau", ông Craik nói.
"Chúng tôi chưa thấy có tác dụng phụ nào của loại thuốc mới này vì nó chưa được thử nghiệm ở người. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ khá là an toàn", Giáo sư Craik nói. "Loại thuốc này hoạt động bằng một cơ chế hoàn toàn khác so với morphine. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng thuốc này sẽ có ít tác dụng phụ. Đó là một trong những lợi thế lớn của loại thuốc này".