Tại cuộc tọa đàm giao lưu trực tuyến hôm qua (20.12), khi được hỏi điều hành xăng dầu hiện nay có công khai và minh bạch, ông Nguyễn Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện chúng ta đang thực hiện điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong nghị định này.
Điều 3, 22, 26 và 27, có sự giám sát, kiểm soát giá xăng dầu với các doanh nghiệp. Do đó, có thể khẳng định cơ chế giá này rất công khai, minh bạch. Thứ hai, mỗi lần điều hành giá, ngành chức năng đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao. Thứ ba, kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí...
Người dân mua xăng tại cây xăng đường Láng, Hà Nội. |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng khẳng định: “Những ai cho rằng giá xăng dầu không minh bạch, xin dành 1 giây đồng hồ, giở bất cứ một tờ báo Thị trường nào ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng dầu vào đúng ngày hôm đó, theo đúng công thức của Bộ Tài chính. Do vậy, không thể nói là không minh bạch”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trong nước dựa trên giá cơ sở bình quân 30 ngày "đã lỗi thời" khiến giá xăng dầu trong nước không theo kịp biến động của giá thế giới và luôn theo kiểu "tăng nhanh giảm chậm, tăng cao giảm ít" và Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sửa đổi.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú thì cho rằng, giá xăng dầu trong nước hiện nay luôn được bình ổn dưới giá cơ sở. Nhà nước luôn bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu chỉ đến khi có Nghị định 84 mới không bù lỗ mặt hàng xăng.
Và từ tháng 9.2011 đến tháng 9 năm nay, cơ bản Nhà nước không thu thuế xăng dầu để giữ một mức giá xăng dầu trong nước thấp và ổn định, do vậy khi giá thế giới giảm thì phải "bù" cho Nhà nước qua thuế. Mặt khác, kinh doanh xăng dầu đã không còn bù lỗ cho doanh nghiệp nên khi giá xăng dầu thế giới tăng cũng phải để cho họ tăng giá để đảm bảo không lỗ.
Mai Hương