Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO), có trụ sở tại Rome (Italy), các cây dừa ở châu Á, trong đó phần lớn được trồng cách đây khoảng 50-60 năm trước (khi chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc), không còn đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu thế giới đang gia tăng.
Ông Hiroyuki Konuma, đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FAO, cho biết hiện có một nhu cầu cấp thiết đối với việc trồng lại và "trẻ hóa" diện tích trồng dừa.
Thu hoạch dừa tại Kiên Giang, Việt Nam. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Vấn đề đáng quan tâm ở đây là năng suất trồng và chế biến dừa - một lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế nông thôn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chiếm khoảng 85% nguồn cung toàn cầu về mặt hàng này.
Tại Philippines, một trong ba quốc gia trồng dừa lớn nhất thế giới, 20% dân số nước này có một phần thu nhập liên quan tới cây dừa.
Trong khi đó, Cộng đồng Dừa châu Á-Thái Bình Dương, đại diện cho các nông dân trồng dừa và có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), dự đoán sản lượng thu hoạch có thể gia tăng để làm lợi cho hàng triệu nông dân sở hữu diện tích đất canh tác nhỏ.
Ông Yvonne Agustin, Giám đốc điều hành Hiệp hội Dừa Thống nhất Philippines, nói rằng số lượng cây dừa già ngày càng nhiều ở nước này và một số cây đã 100 năm tuổi.
Chính phủ Philippines nhận thức rõ tình hình trên và đã triển khai một chương trình "trồng cây gây rừng" đối với loại cây này.
Cây dừa - một hình ảnh thường xuất hiện trên các bưu thiếp - có thể được khai thác trong khoảng 50-100 năm, với sản lượng thu hoạch đạt mức cao nhất trong 3 thập niên đầu.
Theo FAO, sản lượng dừa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện vào khoảng 40 quả/cây/năm, so với mức tiềm năng là 75-150 quả/cây/năm, và việc tái canh là phù hợp sau 60 năm.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và là nước trồng dừa hàng đầu thế giới với 17 tỷ quả trong năm 2012, tiếp theo là Indonesia với 15,4 tỷ quả và Philippines với 15,2 tỷ quả.
Còn theo Cộng đồng Dừa châu Á-Thái Bình Dương, tổng diện tích trồng dừa trên toàn cầu hiện vào khoảng 12,3 triệu ha với sản lượng thu hoạch 64,3 tỷ quả.
Trong bối cảnh việc mở rộng và phát triển hai lĩnh vực dịch vụ và chế tạo đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế ở châu Á, nông nghiệp vẫn giữa một vai trò quan trọng đối với châu lục này.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), có trụ sở tại Washington (Mỹ), nông nghiệp đóng góp khoảng 17% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ trong năm 2012. Trong khi đó, con số tướng ứng của Indonesia và Philippines là 15% GDP và 13% GDP (theo số liệu của năm 2011).
Ngoài ra, FAO ước tính ngành sản xuất và chế biến dừa đã đóng góp 5% GDP cho Philippines.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Dừa Philippines, nước này hiện có 340 triệu cây dừa, chiếm 26% diện tích đất nông nghiệp với sản lượng trung bình đạt 43 quả/cây/năm.
Xuất khẩu các sản phẩm làm từ dừa của Philippine trong tám tháng đầu năm 2013 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012 lên 1 tỷ USD. Quan chức phụ trách của cơ quan này, Euclides Forbes, cho biết dừa cũng là loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Philippines.
Còn theo Ủy ban Phát triển Dừa thuộc Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, Kerala là bang trồng dừa lớn nhất của nước này, tiếp theo là Tamil Nadu, Karnataka và Andhra Pradesh. Trong khi một chương trình thử nghiệm đang diễn ra tại Kerala để thay thế cho các cây dừa già cỗi đã thúc đẩy năng suất, sản lượng dừa vẫn tiếp tục giảm ở 3 bang còn lại, với mức giảm đôi khi lên tới hơn 30%.
Ông Sugata Ghose, quan chức đứng đầu phụ trách phát triển trồng dừa của ủy ban này, cho biết nông dân đã chặt bỏ những cây cọ già và bị sâu bệnh để tái canh.
Năm 2012, ngành trồng và chế biến dừa Ấn Độ gặp một khó khăn lớn về vấn đề giá cả, khi nông dân không có được một mức giá bán tốt. Tuy vậy, sang năm 2013, người dân vui hơn vì nhu cầu về dừa lại tăng.
Tuy vậy, không phải tất cả quốc gia trồng dừa đều gặp khó khăn. Những cây già cỗi không phải là một vấn đề đáng lo ngại ở tỉnh Bến Tre của Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Hùng, quan chức phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Bến Tre, nơi trồng dừa lớn nhất Việt Nam, sản lượng dừa ổn định mức khoảng 100 quả/cây/năm ở hầu hết khu vực trồng dừa, tăng so với mức khoảng 60 quả/cây/năm cách đây vài năm sau khi giá dừa tăng và nông dân sử dụng nhiều phân bón hơn.
Mới đây, FAO đã tổ chức một cuộc hội thảo tư vấn ở Bangkok để giải quyết các vấn đề sản lượng thu hoạch dừa, thu hút sự tham gia của đại diện 15 quốc gia, trong đó có ba nước trồng dừa hàng đầu thế giới là Fiji và Solomon Islands.
Theo ông Siriwat Kajornprasart, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Thái Lan, trước tình trạng sản lượng thu hoạch dừa thấp và hầu hết cây đều già cỗi, các nhà khoa học đang nghiên cứu những giải pháp để nâng cao sản lượng.
Phát biểu bên lề hội nghị trên, ông K. Muralidharan, Giám đốc Ủy ban Phát triển Dừa Ấn Độ, cho biết dừa là một cây nông nghiệp truyền thống ở Ấn Độ, với hơn 2.000 năm lịch sử. Tất cả bộ phận của cây dừa đều có ích và ngành này đóng góp hơn 83 tỷ rupee (1,3 tỷ USD)/năm cho GDP của Ấn Độ.
Còn theo ông Romulo Arancon, Giám đốc điều hành Cộng đồng Dừa châu Á-Thái Bình Dương, các cây dừa mới có thể bắt đầu được trồng ít nhất là trong 2-3 năm. Với việc tái canh và cải thiện khâu canh tác, sản lượng dừa có thể tăng thêm 50-100% trong vài năm.
Ông Arancon cho biết một cây dừa trưởng thành ước tính có thể có sản lượng 400 quả/năm.
Về phần mình, ông Irawadi Jamaran, Chủ tịch Ủy ban Dừa Indonesia - tập hợp các nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh dừa ở nước này - hiện tại, hơn 50% trong số 4 triệu ha trồng dừa của Indonesia là những cây già cỗi, hoặc trên 50 năm tuổi.
Theo ông Irawadi, khó khăn chính đối với ngành trồng dừa Indonesia là thiếu sự quan tâm của chính phủ, với mối quan tâm lớn hơn dành cho kế hoạch mở rộng diện tích trồng các cây nông nghiệp, nhất là cây dầu cọ.
Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Theo ông Konuma, cây dừa thường được nhiều người không quan tâm do họ thường chỉ chú ý đến gạo và dầu cọ, và mọi người cho rằng dừa không phải một cây nông nghiệp quan trọng.
Tuy vậy, thực tế không phải vậy và cây dừa đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và lối sống của đất nước vạn đảo này./.