Dân Việt

Lợi ích khi theo Tết tây có đủ để “mua” bản sắc?

Nguyên Anh Tuấn 08/01/2014 08:11 GMT+7
Nếu Tết ta không còn, liệu người nước ngoài, khách du lịch có còn mặn mà với văn hóa Việt Nam nữa hay không ? Lợi ích kinh tế đạt được khi ăn theo Tết tây có đủ để “mua lấy” bản sắc hay không ?
Đón Tết cổ truyền là một phong tục quý báu của người dân Việt Nam được gìn giữ đã nhiều thế hệ, có thể coi đó là một nét bản sắc trong văn hóa dân tộc. Chúng ta có lẽ không nên tranh cãi nữa, bởi lẽ đã gọi là bản sắc thì chắc chắn phải gìn giữ, nhất là trong thời buổi hội nhập hiện nay.

Đón Tết cổ truyền là một phong tục quý báu của người dân Việt Nam được gìn giữ đã nhiều thế hệ
Đón Tết cổ truyền là một phong tục quý báu của người dân Việt Nam được gìn giữ đã nhiều thế hệ

Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, việc ăn Tết ta và các hoạt động kéo theo diễn ra bên thềm Tết cổ truyền là phong tục, là tập quán, chứ không phải là hủ tục để bài trừ. Nhất là khi mà hàng ngày, hàng giờ, chúng ta đã và đang nhìn thấy những xáo trộn, lai căng về văn hóa đang dần đe dọa những giá trị truyền thống của dân tộc ta.

Không phủ nhận rằng các chuyên gia đang đặt lợi ích dân tộc lên cao khi đưa ra đề xuất gộp Tết Tây với Tết ta làm một. Nhưng nếu tiến hành theo kiểu đó thì có vẻ như chúng ta vô tình quên đi đời sống tinh thần vốn rất quan trọng đối với mỗi người Việt, mà chỉ chăm chăm nhắm đến lợi ích kinh tế.

Nếu Tết ta không còn, liệu người nước ngoài, khách du lịch hay đang làm việc ở nước ta có còn mặn mà với văn hóa Việt Nam nữa hay không ? Lợi ích kinh tế đạt được khi ăn theo Tết tây có đủ để “mua lấy” bản sắc hay không ?

Nói theo một khía cạnh khác, khi gộp Tết ta vào với Dương lịch, đó chẳng qua chỉ là một cách “buông xuôi”, hay thậm chí phải nói là “nhắm mắt làm liều”. Vẫn biết là đón Tết cổ truyền ở nước ta kéo theo nhiều hệ lụy không tốt, đơn cử là về góc độ kinh tế như chuyên gia Phạm Chi Lan đã nêu.

Nhưng chúng ta hoàn toàn có nhiều cách để giải quyết vấn đề, có thể lâu dài, có thể chậm rãi, nhưng sẽ không làm mất đi bản sắc dân tộc. Hơn thế nữa, việc sản xuất, kinh doanh trong những ngày cuối năm bị trì trệ là do thói quen của người dân ta, và chúng ta hoàn toàn có cách để từ bỏ thói quen đó, cũng như việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, có thể là về lâu về dài, nhưng vấn đề ở đây, lỗi không nằm ở phong tục.

Liên quan đến đề xuất gộp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, quan điểm của bạn là:

img img
img

Về góc độ khác, có muôn vàn những bất lợi khi dời Tết ta lùi lại với Dương lịch, nếu Tết ta được tổ chức theo Dương lịch, liệu hoa mai, hoa đào có tươi sắc hay không ? Mùa xuân đã đi vào thơ ca có còn “nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng” ở miền Nam, có se se lạnh ở miền Trung và mưa xuân bay ở miền Bắc hay không ?

Chúng ta có thể nhận thấy một điều rất rõ ràng, khi hội nhập và giao lưu với văn hóa thế giới, cộng với sự bùng nổ thông tin trong những năm vừa qua, đã khiến nền văn hóa của chúng ta ít nhiều bị ảnh hưởng. Thế nhưng, phong tục đón Tết cổ truyền dường như không bao giờ mất đi. Chính đấy là cái mà chúng ta cần phải gìn giữ.

Để rộng đường cùng bạn đọc sẻ chia ý kiến và quan điểm trước đề xuất Liệu có nên gộp chung Tết dương lịch và Âm lịch vào làm một, Dân Việt xin mở Diễn đàn: "Có nên gộp chung Tết Dương lịch và Tết Âm lịch".

Mọi đóng góp và ý kiến sẻ chia xin gửi vào hòm thư baodanviet@gmail.com

Bài viết của bạn đọc sẽ hưởng nhuận bút theo quy định.