Dân Việt

Tìm nguồn thu cho nông dân

Minh Ngọc 07/01/2014 09:11 GMT+7
“Để xoá nghèo thì phải có nguồn thu lớn và ổn định. Mà muốn có nguồn thu thì phải thực hiện sản xuất hàng hoá với số lượng lớn, tạo ra nông sản đặc trưng của địa phương thì mới cạnh tranh được.
Vì thế Hội nông dân các cấp trong huyện luôn nỗ lực cùng nông dân (ND) vượt khó”. Đó là tâm sự của bà Lò Thị Bua - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Mường Chà (Điện Biên).

Chỉ cho nông dân lợi thế

Huyện Mường Chà cách trung tâm tỉnh Điện Biên hơn 40km, có nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp bởi đất bằng ít, nguồn nước hạn chế, núi cao, dốc nhiều, hạ tầng cơ sở chưa phát triển...

Nông dân thị trấn Mường Chà thu hoạch dong riềng - cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân thị trấn Mường Chà thu hoạch dong riềng - cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước thực trạng đó, Hội ND huyện đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, phối hợp cùng các đoàn thể, doanh nghiệp chỉ rõ những lợi thế, khắc phục những yếu kém trong sản xuất để tăng nguồn thu cho ND.

Ông Tòng Văn Ẻn - hộ ND giỏi ở thị trấn Mường Chà cho biết: “Trước đây tôi cứ nghĩ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao như ở Mường Chà thì có cố gắng đến mấy cũng chỉ đủ ăn, làm sao mà giàu được. Tham gia sinh hoạt hội, chúng tôi được cán bộ chỉ bảo, hướng dẫn những cách làm kinh tế, những lợi thế của mình chưa được phát huy: Đồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc; nhiều tiểu vùng khí hậu gắn với đa dạng sản phẩm trong nông nghiệp, nhân công giá rẻ lại có sức khoẻ, chịu khó; thị trường miền núi tính cạnh tranh chưa cao... Nhờ vậy chúng tôi tự tin chuyển đổi sản xuất và đã thành công. Bây giờ nhiều hộ ND đã có mức thu hàng trăm triệu đồng/năm”.

Nói về chuyện tìm ra lợi thế hàng hoá của địa phương, bà Quàng Thị My (bản Na Hang, xã Na Hang) cho biết: Chăn nuôi, trồng trọt là nghề lâu đời của chúng tôi. Nhưng khi được cán bộ hội phân tích, chỉ ra lợi thế thì mình mới hiểu được đấy là thế mạnh của mình. Bây giờ ở Mường Chà, nhiều hộ đã hiểu được nhà mình mạnh về trồng lúa, ngô, sắn hay chăn nuôi, trồng rừng; vùng đất này lợi thế lớn về cái gì... Từ đó phát triển kinh tế hộ, kinh tế vùng một cách khoa học hơn.

Tích cực hỗ trợ



"Cứ chịu khó làm thì dù chưa có cả tấn hàng hoá xuất ra ngoài huyện nhưng ngay thị trường nội huyện cũng đã có nhiều người đến tận nhà hỏi mua. Ngay như đàn gà, vịt mấy chục con của nhà tôi, tháng trước đã có người đặt hàng tết cả đàn rồi đấy”.

Bà Quàng Thị My

Sau khi chỉ rõ những lợi thế trong sản xuất cho ND, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nông nghiệp, khuyến nông, thú ý, bảo vệ thực vật và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho ND. Vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ khai hoang ruộng nước, phát triển sản xuất từ các chính sách của Nhà nước được Hội phổ biến sâu rộng và phối hợp triển khai.

Phong trào ND SXKD giỏi được phát động mạnh mẽ, đôn đốc, kiểm tra. Trong năm 2013, hội đã bình xét được 157 hộ ND giỏi các cấp; trong đó có 2 hộ cấp trung ương, 10 hộ đạt cấp tỉnh, 62 hộ đạt cấp huyện. Bà Lò Thị Bua cho biết: Hội mới phối hợp Khuyến nông huyện thực hiện mô hình trồng lạc dưới chân ruộng 1 vụ ở xã Mường Mươn với sự tham gia của 60 hộ. Cây sinh trưởng tốt, hy vọng cosó thêm một nguồn thu cho ND.

Những năm gần đây, huyện đã có thêm những sản phẩm giá trị cao như sắn, dứa, lạc, bông, đậu tương... Đàn gia súc, gia cầm và cây lương thực dù trong năm gặp nhiều bất lợi nhưng vẫn tăng trưởng tốt. Kết quả đó giúp cho đời sống hội viên ngày càng được nâng lên và tổ chức hội thêm vững mạnh.