Dân Việt

Dân ca - món ăn tinh thần của người Sán Chí

Phong Vũ 07/12/2013 07:40 GMT+7
Hiện nay, dân ca Sán Chí vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng người Sán Chí.
Dân ca Sán Chí là một loại hình văn hoá dân gian truyền thống, phong phú có từ lâu đời của người Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Hát cho nhau nghe qua điện thoại

Nghệ nhân Lâm Văn Đông 75 tuổi, ở thôn Nóng (Kiên Lao) khoe: “Tôi biết hát dân ca từ khi 15 tuổi, đến nay đã mấy chục năm rồi, càng hát càng thấy mê. Hồi trẻ thì hát tìm bạn tình, nhiều thanh niên trong làng chỉ vì mê giọng hát mà thành vợ thành chồng đấy… Bây giờ có tuổi rồi, nhưng vẫn mê hát lắm”.


Nghệ nhân truyền đạt nghề dệt thổ cẩm cho chị em dân tộc Ba Na.
Nghệ nhân truyền đạt nghề dệt thổ cẩm cho chị em dân tộc Ba Na.

Ở Kiên Lao, người dân tộc Sán Chí rất mê hát, họ có thể ngồi cùng nhau say sưa hát cả ngày, cả đêm mỗi khi có dịp. Thường thì người ta tổ chức giao lưu vào ngày 19.1 và ngày 1.2 hằng năm. Ngoài ra, đêm trăng sáng là họ tập trung lại và hát. Thông qua các cuộc hát dân ca, rất nhiều chàng trai, cô gái đã tìm được người bạn tình trăm năm của mình.

Ngày nay, người dân Sán Chí ở xã Kiên Lao còn có một hình thức hát vô cùng độc đáo, đó là hát dân ca qua điện thoại. Những số điện thoại của người hát hay thường được truyền tay nhau, lan nhanh không kém gì trên mạng xã hội. Hình thức hát này, người nam và người nữ có thể không biết mặt nhau vì ở cách xa nhau hàng nghìn km. Người dân tộc Sán Chí ở khắp các miền của Tổ quốc cũng có thể hát cho nhau nghe qua điện thoại.

Cần được gìn giữ, bảo tồn

Mới đây, CLB Dân ca Sán Chí ở xã Kiên Lao được thành lập, đã thu hút rất nhiều nghệ nhân. Nghệ nhân Lâm Minh Sập- Chủ nhiệm CLB Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao cho biết: Hiện CLB của xã gồm 23 nghệ nhân. Các nghệ nhân chính là các tổ trưởng tập hợp các tổ viên trong thôn tham gia CLB. Tâm sự với chúng tôi, ông Sập không khỏi lo lắng về tình trạng hiện nay thế hệ trẻ Sán Chí ít người biết hát dân ca, vì các thành viên CLB hát dân ca đều có độ tuổi từ 40 trở lên. Theo ông Sập, để câu hát dân ca không bị mai một, rất cần sự đầu tư giáo dục để thế hệ trẻ biết yêu những điệu dân ca quê mình. ”Mới đây xã còn đầu tư mở thêm một lớp dạy hát dân ca cho các cháu tuổi từ 10-15 và hiện có 30 cháu tham gia” - nghệ nhân Sập cho biết thêm,

Ngày 27.12.2012, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho làn điệu dân ca Sán Chí.

Em Lâm Thị Sử, 13 tuổi, tham gia lớp dạy hát CLB Dân ca thôn Nóng khoe rằng: “Từ khi mở lớp dạy hát, chúng em có nơi để vui chơi, giao lưu và cũng là cách để chúng em gìn giữ làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ninh Quốc Dân - Chủ tịch UBND xã Kiên Lao cho biết: “Chúng tôi đã triển khai nghị quyết, phấn đấu mỗi cán bộ là tấm gương đi đầu trong công tác tìm hiểu về loại hình dân ca Sán Chí và đặc biệt là biết hát nữa”.

Anh Lâm Xuân Bắc - Phó phòng Văn hóa huyện Lục Ngạn tâm sự: “Hiện nay ở xã Kiên Lao, dân ca Sán Chí vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân. Mỗi khi có đoàn công tác cấp trên về, hay có dịp kỷ niệm, lễ hội…, dân ca Sán Chí lại xuất hiện như là món quà chào đón khách của chúng tôi”.