Dân Việt

Căng thẳng ngoại giao vì... “ô-sin”

A.T (theo Reuters) 28/12/2013 07:58 GMT+7
Liên Hiệp Quốc (LHQ) chấp thuận yêu cầu của chính phủ Ấn Độ, chuyển nữ phó lãnh sự Devyani Khobragade từ lãnh sự quán Ấn ở New York vào đoàn ngoại giao thường trực của Ấn ở LHQ.
Đây là thông tin của một quan chức LHQ giấu tên vào ngày 23.12, người cho biết còn phải có sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phó lãnh sự Khobragade
Phó lãnh sự Khobragade

Quan hệ ngoại giao Mỹ-Ấn căng thẳng cao độ trong những ngày qua, bắt đầu từ việc phó lãnh sự Devyani Khobragade 39 tuổi bị cáo buộc khai man giấy tờ để xin visa nhập cảnh Mỹ cho “ô-sin” Sangeeta Richards người Ấn. Theo tố cáo của Richards, “cô chủ trẻ” hứa trả lương 4.500 USD/tháng cho bà, nhưng thực chất chỉ trả 3,31 USD/giờ, một khoản tiền nhiều hơn số thu nhập của một phụ nữ Ấn, nhưng quá ít so với sự thỏa thuận giữa cô chủ và “đầy tớ”. Richards qua Mỹ giúp việc nhà cho Khobragade từ tháng 12.2012. Gần đây, bà tố cáo cô chủ đối xử với mình như nô lệ, trả lương “bèo”.

Vì chuyện này, Khobragade bị cảnh sát New York bắt ngày 12.12, bắt bà cởi hết quần áo để khám xét toàn thân. Bà cũng bị nhốt trong xà lim suốt 6 giờ rồi bị đưa ra tòa trước khi được cho đóng tiền tại ngoại 250.000 USD. Khobragade không nhận tội làm giả visa và khai man về số tiền lương trả cho “ô-sin”.

Việc Khobragade bị bắt khiến người dân Ấn phẫn nộ, biểu tình rầm rộ đòi Mỹ xóa mọi tội danh đối với bà. Họ phản đối việc nhà ngoại giao bị Mỹ bạc đãi, sau khi báo giới Ấn đưa tin Khobragade bị bắt và bị còng tay ngay trước mặt các con cô, và còn bị cảnh sát Mỹ dùng ngón tay móc vào chỗ kín. Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Shivshankar Menon gọi kiểu bạc đãi này là “ti tiện”. Chính quyền Ấn phản ứng kịch liệt, dọa có biện pháp với các nhà ngoại giao Mỹ ở New Delhi, rút các rào chắn an toàn gần Sứ quán Mỹ và không tiếp một đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Ấn. Nhưng công tố viên trưởng Preet Bharara (người Mỹ gốc Ấn) tuyên bố: Khobragade không hề bị khám chỗ kín và không bị còng tay. Ông cũng tỏ ra bất ngờ trước phản ứng của người Ấn.

Vì chỉ là phó lãnh sự, bà Khobragade chỉ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (không bị truy tố) hạn chế, khác với quyền miễn trừ ngoại giao hoàn toàn dành cho quan chức ngoại giao các nước ở LHQ. Một kịch bản để giải quyết căng thẳng này là nếu Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận cho bà chuyển qua đoàn ngoại giao và hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn, tiếp đó chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu xóa quyền miễn trừ này để truy tố bà, và nếu Ấn từ chối, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiến hành trục xuất bà. Giới truyền thông Ấn nói việc chuyển bà vào đoàn ngoại giao ở Ấn là biện pháp làm giảm căng thẳng quan hệ Ấn-Mỹ, sau đó sẽ triệu hồi bà về nước để bà không bị truy tố tại Mỹ.

Trong một động thái bất thường, Mỹ đã đem gia đình “ô-sin” Richards rời khỏi Mỹ. Chưởng lý Bharara nói ở Ấn đã có những đe dọa sẽ làm bà Richards “im lặng” và không cho bà trở về nước. Trước đó, cha của Khobragade tố cáo “ô-sin” Richards là điệp viên CIA. Trong cuộc họp báo ở Mumbai ngày 19.12, cựu công chức Uttam Khobragade nói những cáo buộc của Richards là âm mưu phá con đường công danh của con gái ông, và Richards là điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ.

Vài giờ sau, người thân của gia đình cho báo Mail Today hay: Richards cư xử rất kỳ quái khi làm “người ở” cho Khobragade. Họ nói Khobragade sống trong khu nhà dành cho đoàn ngoại giao Ấn ở LHQ và lãnh sự quán Ấn ở New York, nên có thể Richards đã cài “con rệp” nghe lén trong khu nhà này. Và nhiều người tin Khobragade có quan hệ thân cận với một nhà ngoại giao cấp cao, cũng như mẹ bà là trợ lý cho một nhà ngoại giao khác, nên cô là mục tiêu số 1 mà CIA cần tiếp cận. Nhưng tổ chức hỗ trợ nạn nhân Chân trời an toàn nói Richards không phải là điệp viên CIA.