Cơ hội việc làm rất hẹp
Ông Nguyễn Đình Liêu – Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu NKT, trong đó khoảng 60% ở độ tuổi lao động. Số NKT được dạy nghề hàng năm chỉ đạt 5.000 – 6.000, trên tổng số 1,5 triệu người cần được dạy nghề. Số NKT được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp bình thường “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Người khuyết tật học nghề may ở Trường CĐ Nghề Kon Tum.
Nguyễn Thu Trang (bại liệt chân)- hội viên CLB Thanh niên khuyết tật quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã được học nghề làm những sản phẩm như: Tranh giấy cuộn, hình nộm, tranh thêu tay… “Tuy nhiên, em chỉ xin được việc ở những cơ sở của NKT chứ không thể xin được việc ở các cơ sở bình thường”- Trang bộc bạch.
Chị Vũ Thị Vinh (mù 2 mắt) - hội viên Hội NKT quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tâm sự: “Tôi học nghề massage năm 1998 và từ đấy mỗi tháng kiếm được 2 – 3 triệu đồng. Nhưng có lẽ tôi chỉ làm được ở đây, không thể xin việc được ở đâu khác”.
Anh Phạm Quang Khoát – Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật quận Hoàng Mai cho biết, không chỉ dạy nghề mà CLB còn tổ chức tư vấn hướng nghiệp tạo việc làm miễn phí cho NKT. “CLB gồm 20 thành viên, là những người có nghị lực sống phi thường, nỗ lực học nghề, làm việc. Tuy nhiên, xin việc bên ngoài rất khó nên chúng tôi phải tụ lại để cùng nhau làm việc, kinh doanh” - anh Khoát chia sẻ.
Cần có chế tài mạnhBà Nguyễn Thị Kim Liên – Giám đốc Công ty Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (TP.Đà Nẵng) cho biết: “Hiện công ty có 6/18 nhân viên là NKT. Khi tuyển dụng, tôi cũng băn khoăn vì họ khiếm khuyết về sức khỏe, tâm sinh lý và khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, sau đó tôi nhận thấy họ làm việc rất có trách nhiệm, hòa nhập và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của công ty”- bà Liên nói.
Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại thêu Việt cũng chia sẻ: “Sau gần 2 năm hoạt động, chúng tôi dạy nghề và tạo việc làm cho 10 NKT, lương tháng 3 triệu đồng/người. Các doanh nghiệp cần quan tâm, tạo điều kiện về việc làm cho NKT, giúp họ có điều kiện sống và hòa nhập với xã hội tốt hơn”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Liêu, thực tế NKT bị từ chối ở rất nhiều doanh nghiệp vì sức khỏe yếu, khó vận động.
“Ngay cả khi có luật, doanh nghiệp cũng lờ đi và không ai bị xử phạt cả. Vì vậy mà hầu như chính sách tạo việc làm cho NKT bị lờ đi, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ NKT có việc làm hiện chỉ đạt khoảng 20% tổng số NKT, rất lãng phí nguồn lực lao động. Chúng tôi mong có chế tài đủ mạnh và có sự vận động để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về việc làm cho nhóm người này”- ông Liêu nói.