Dân Việt

Người đàn bà 6 lần tự tay đào huyệt chôn con mình

Lê Phong (Dòng Đời) 29/12/2013 06:44 GMT+7
Bà Đào Thị Kiều, tên thường gọi là Sáu Kiều, ngụ tại ấp Bình Thạch (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) có 8 người con nhưng rồi 6 người lần lượt ra đi vì chất độc màu da cam.
Vì hoàn cảnh nghèo khó không có tiền mua quan tài cho con, bà đành cạy từng miếng ván tủ thờ để đóng thành quan tài, dùng giấy đỏ quấn quanh thi hài.

Đã có 6 lần bà dùng tay móc đất chôn từng đứa con xấu số của mình trong nỗi uất nghẹn, đớn đau vô cùng. Nỗi ám ảnh đầy hãi hùng cứ đeo bám bà suốt mấy chục năm qua khiến bà 3 lần mua thuốc độc về tự tử để mong chấm dứt nỗi khổ đau. Nhưng rồi, cuộc sống diệu kỳ đã nở nụ cười với bà. Một nụ cười muộn mằn phía cuối cuộc đời.

Bà Kiều kể về cuộc đời đầy cay nghiệt của mình
Bà Kiều kể về cuộc đời đầy cay nghiệt của mình

Xót xa gia cảnh nghèo

Chúng tôi có mặt tại nhà bà Kiều vào mội buổi trưa đầu tháng 12, đúng lúc bà vừa đi làm từ mỏ đá trở về nhà để nghỉ trưa. Vừa đến bậc thềm bà thở hổn hển vì mệt, cởi chiếc áo khoác, bà quẹt từng giọt mồ hôi, mời khách vào nhà. Nghe hơi thở của bà, chúng tôi đã cảm nhận được suốt 40 năm qua, sống trong những chuỗi ngày đằng đẵng đầy đau khổ, bà Kiều đã khóc rất nhiều, những giọt nước mắt ấy đã rút bớt đi sinh lực của người mẹ già khiến bà không còn đủ sức khỏe nữa.

Trong căn nhà đơn sơ, bà bắt đầu câu chuyện của mình bằng những kỷ niệm cách đây mấy chục năm. Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, 6 tuổi bà đã theo mẹ nhặt ve chai gần sân bay Biên Hòa mưu sinh. Cũng trong thời gian này, tại Đồng Nai, từ năm 1961 Mỹ đã liên tục rải thứ chất độc da cam chết người mang tên dioxin xuống các ruộng lúa xung quanh sân bay Biên Hòa (vùng chiến khu Đ, nay là huyện Vĩnh Cửu) khiến hàng ngàn người vô tội nhiễm phải mà không biết. Những ngày nhặt từng miếng đồng nát bà đã tình cờ bị nhiễm thứ chất độc quái ác khi nào không hay. Năm lên 19 tuổi, cũng như nhiều cô gái cùng trang lứa khác, bà bén duyên cùng một người thanh niên cùng xóm tên là Lâm Bá Trung (SN 1944). Ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ không một bộ quần áo mới để mặc, đám cưới chỉ là bữa cơm nhỏ giữa hai họ, coi như một nghi thức mà thôi. Vượt qua những thiếu thốn đời thường ấy, một năm sau, bà Sáu Kiều sinh hạ được đứa con gái đầu lòng đặt tên Lâm Kim Liên (SN 1970). Lúc đầu Liên phát triển bình thường, cũng biết cười, biết khóc nhưng khi 2 tuổi bắt đầu có những biểu hiện lạ, không phản ứng trước tiếng kêu, không cảm nhận được sự nựng nịu của người thân. Lên 6 tuổi, ánh mắt của Liên đầy ngây dại và vô hồn. Mặc dù thấy con chân teo dần, đôi tay vặn vẹo, miệng ú ớ nhưng đôi vợ chồng trẻ ấy không hề biết rằng con mình bị nhiễm độc, cứ nghĩ do kiếp trước ăn ở gây nhiều tội ác, cả hai quyết định ăn chay trường để cầu trời ban cho đứa con tiếp sau được lành lặn.

Nuôi hy vọng mong manh, vợ chồng bà Sáu tiếp tục sinh thêm người con thứ 2, thứ 3 rồi đến người thứ 7. Mỗi lần sinh hạ một đứa con bà Sáu Kiều lại trả qua những cảm xúc hy vọng, chờ đợi, vui mừng rồi thất vọng. Cuối cùng cả 7 người đều chung một biểu hiện của những đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam khiến bà đau đớn vô vùng. Tiếng cười tắt hẳn trong ngôi nhà, đâu đó chỉ còn tiếng khóc của bà và tiếng thở dài của ông Sáu Trường.

Nhiều năm liền, không khí trong ngôi nhà đơn sơ ấy luôn nặng nề, tang tóc. Ngày ngày trôi qua, những đứa trẻ nằm một chỗ trong không khí lạnh tênh, ngôi nhà vách lá chỉ có tiếng kêu thất thanh từ đám trẻ mỗi khi đói. Nhưng, tận cùng bi kịch chưa dừng lại ở đó bởi đau đớn hơn, những đứa trẻ ấy đã lần lượt bỏ ông bà, ra đi vĩnh viễn. Bà kể, vào cuối năm 2010, Lâm Ngọc Hường, 37 tuổi, đứa con thứ 6 bị di chứng chất độc da cam đã đau đớn mất trước mặt bà. Nhà nghèo không có tiền tổ chức tẩm liệm, ma chay cho con nên bà cùng chồng cạy từng miếng ván gỗ đóng thành quan tài bỏ xác con vào trong đó. Ngay cả việc mua cho con một chiếc áo tang bà cũng chẳng mua nổi, đành đi xin những giấy dán màu đỏ quấn quanh cơ thể của con, mong sao sang thế giới bên kia con không cảm thấy lạnh lẽo. Lần ấy, tiễn con về thế giới bên kia, bà tưởng mình chết thật, bàn tay bà trong vô thức cứ điên cuồng đào những thớ đất lạnh căm sau vườn làm huyệt chôn con. Trước Hường, còn có 5 người con nữa của bà Kiều cũng đã chết, thậm chí còn yểu mệnh hơn. Có người sinh ra chân tay mềm oặt, người như một cục thịt không có xương, chỉ sống chưa được một tháng đã lìa đời. Sáu đứa con cùng bị chất độc da cam nhưng lại bỏ bà đi theo nhiều cách khác nhau, mỗi lần như vậy, nỗi đau của bà cứ tăng lên gấp bội. Nhiều khi bà tự hỏi, không biết vì sao cuộc đời mình lại bất hạnh triền miên như vậy. Vậy cũng chưa đau bằng, nhiều người dân xung quanh, vì ác miệng còn đồn đại rằng bà là quỷ ma giáng thế, chỉ sinh ra toàn quái thai mà thôi.

Tia nắng cuối cuộc đời

Nhưng, cuộc đời vốn dĩ rất công bằng bởi cuộc đời không cho ai tất cả mọi thứ và cũng không lấy đi của ai tất cả mọi cái. Ngoài 6 đứa con đã qua đời, bà vẫn còn lại người con cả và người con út. Trong đó, người con út bình thường không hề bị chút nào di chứng chất độc da cam. Có lẽ, đó chính là nguồn năng lượng sống diệu kỳ giúp bà đứng vững trong nhiều năm qua.

Chăm sóc đứa con gái bị tật nguyền do chất độc dioxin
Chăm sóc đứa con gái bị tật nguyền do chất độc dioxin.

Hàng trăm buổi chiều, bưng mâm cơm ngồi trước hiên nhà bà Kiều lại quặn đau, ứa những giọt nước mắt khi nghĩ đến các con, nhất là những người đã bỏ bà ra đi mãi mãi. Bà nhìn những đứa trẻ trong xóm chạy nhảy, chơi đùa bằng ánh mắt vô hồn, chết lặng.

Nhiều lần, cứ nghĩ đến cách giải thoát cho mình và các con, bà đã tìm tới cái chết, nhưng rồi trời xui đất khiến thế nào chồng bà lại ngăn chặn kịp thời, vực bà dậy để tiếp tục sống và hy vọng. Và, điều kỳ diệu đã xảy ra khi đứa con thứ 8, Lâm Ngọc Nhẫn lại bình thường, thông minh và học giỏi, như để bù đắp tất cả những đớn đau mà cuộc đời đã nợ bà. Nhìn Nhẫn khôn lớn, trái tim người mẹ vốn đã chịu nhiều đớn đau như bà cứ thấp thỏm, bất an từng ngày. Nhìn con cười, bà cứ cầu trời khấn Phật sao cho bất hạnh đừng đổ xuống đầu đứa con ngây thơ, vô tội này.

Thế rồi, cũng như chúng bạn, Nhẫn lớn khôn, đi học cùng bè bạn. Đáng mừng hơn, khi biết hoàn cảnh gia đình và nỗi lòng cha mẹ, cô gái có nụ cười rất thân thiện ấy đã cố gắng vượt lên, học giỏi trong nhiều năm liền, đem lại niềm vui là những giấy khen, điểm mười cho cha mẹ.

Bà kể, Nhẫn đã tốt nghiệp loại giỏi ngành kế toán, hiện tại vừa làm giảng viên tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) vừa học thêm để lấy bằng cao học. Năm 2004, chồng bà mất sau một thời gian lâm bệnh nặng. Giờ đây, Nhẫn là nơi để bà nương tựa tuổi già. Có thể xem sau những ngày tháng cơ cực, chờ đợi, bà Kiều đã tìm được sự bù đắp xứng đáng cho những cay đắng nghiệt ngã mà bà gánh chịu.

Hiện tại trong ngôi nhà của bà chỉ con hai người gồm con gái út tên Nhẫn và con gái đầu tên Liên. Trong cảnh hoàng hôn, Liên nằm chỏng chơ, vô tri vô giác bên chiếc giường gỗ, tóc Liên bắt đầu bạc khi bước sang tuổi thứ 41. Cánh tay bà Kiều yếu dần trong những buổi chẻ đá mưu sinh. Nhưng với bà đó là niềm vui, niềm hạnh phúc sau những bất hạnh tột cùng của cuộc đời.