Dân Việt

Làm theo lời cán bộ, ấm no đã về

Kiều Thiện 18/03/2014 09:18 GMT+7
Ông Phạm Văn Khánh- Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La cho hay, với gần 1.000ha trồng cà phê, hàng trăm ha cây ăn quả, cây lương thực, đời sống của người dân Chiềng Ban bây giờ đã đổi thay, nhiều hộ đã xây được nhà to, mua ô tô…
Nông dân bị “trời đánh đố”

Đấy là câu chuyện của nhiều năm về trước trên đất Chiềng Ban. Nơi đây vốn là vùng đất khan hiếm nước nhưng rất đông cư dân và bà con chỉ sống bằng nghề nông. Ông Cầm Văn Tom ở bản Nong Nưa nhớ lại: “Cái xã hơn ngàn hộ dân, gần 80% là người Thái này đói khổ lắm.

Làm nông nghiệp mà không có nước, cứ ngửa mặt nhìn trời khấn cầu cho mưa gió thuận hòa nhưng trời cũng chẳng thương hết được. Ngày ấy có chăm chỉ thì mỗi năm cũng chỉ làm được 1 vụ lúa nương hoặc 1 vụ ngô, lúa nước hầu như không có; thời gian còn lại bà con đi kiếm rau rừng, cá suối, măng tre...”.

Theo ông Tom, dân Chiềng Ban trước đây cũng nỗ lực quyết liệt vượt khó. Người ta đào giếng sâu cả chục mét, lắp máy bơm để có nước trồng rau; chuyển đổi đất trồng cây lúa nương, cây sắn sang trồng mía, trồng cỏ voi, nuôi bò sữa, làm vườn cây ăn quả… Nhưng đã là đất cằn thì khoan giếng cũng không có nước. Mía khô, bò sữa cũng chết, cây trái chẳng thể đậu quả… thế là thêm nợ, thêm khổ. Dân chỉ biết nhìn nhau, tặc lưỡi: Trời hành rồi !

Nhưng người dân Chiềng Ban không cam chịu và cây cà phê đã đến với Chiềng Ban như một mối lương duyên đẹp. Ông Phạm Văn Khánh bảo: Trong nỗ lực tìm hướng giúp ND xóa nghèo, làm giàu, tỉnh Sơn La đã đưa cây cà phê vào trồng ở nhiều nơi, trong đó có xã Chiềng Ban.

15 năm trước, diện tích cà phê trong xã chỉ có vài chục ha, lại bị sương muối, tưởng chừng "xóa sổ", nhưng từ năm 2005 trở lại đây, cây trồng này phát triển chóng mặt với sự tham gia của hầu hết các hộ trên địa bàn. Hiện, xã đã có 1.000ha cà phê, chiếm 75% diện tích đất sản xuất của xã, sản lượng cà phê quả tươi hàng năm đạt 100.000-140.000 tấn.

Giàu nhờ nghe lời cán bộ


Ông Đặng Văn Sửu - Chi hội trưởng ND hợp tác xã 3, xã Chiềng Ban, nhớ lại: “Khi cây cà phê mới đứng chân trên đất này năng suất còn thấp, lại thêm vụ sương muối tàn phá nặng nề nên nhiều ND chán nản, muốn bỏ cà phê. Hội ND lại cùng với chính quyền, doanh nghiệp và các đoàn thể khác đến từng nhà vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con. Tin lời cán bộ, bà con lại yên tâm đầu tư. Bây giờ diện tích cà phê của Chiềng Ban chiếm hơn 10% diện tích cà phê của tỉnh”.

"Nhờ cán bộ hội bám dân tuyên truyền, người nghèo ở Chiềng Ban mới dám bỏ cây lương thực trồng cà phê. Bây giờ các hộ trong bản này hầu hết thoát nghèo, làm giàu rồi”.

Chị Tòng Thị Hạnh

Gia đình chị Tòng Thị Hạnh ở bản Nong Nưa hiện có gần 2ha cà phê, thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Chị Hạnh cho biết: “Nhờ cán bộ Hội ND bám dân tuyên truyền, người nghèo ở Chiềng Ban mới dám bỏ cây lương thực trồng cà phê. Bây giờ các hộ trong bản này hầu hết thoát nghèo, làm giàu rồi. Nhiều nhà còn mua ô tô, xe máy, xây nhà to cũng là nhờ cà phê đấy”.

Theo Hội ND xã Chiềng Ban, tỷ lệ hộ nghèo trong xã hiện chỉ còn hơn 6%, chủ yếu là hộ mới tách, hộ người già neo đơn; còn hộ khá và giàu chiếm tới 60%. Hơn 50 hộ đã mua được ô tô, hàng chục hộ có máy xúc, máy ủi, xưởng chế biến, thu mua nông sản…

Ông Khánh khẳng định: Hội ND có vai trò quan trọng trong quá trình vận động ND trồng cà phê. Cũng nhờ chuyển đổi sản xuất kịp thời nên đến nay, Chiềng Ban đã đạt được 10/19 tiêu chí quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.