Trấn an đồng minhMỹ đã trấn an Nhật Bản bằng việc cam kết sẽ gửi thêm tàu chiến mang theo hệ thống phòng thủ tên lửa, sau vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời tuyên bố chống lại việc Trung Quốc lạm dụng khái niệm “quyền lực vĩ đại”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera hội đàm ngày 6.4.
Nhật Bản đã theo dõi sát cũng như đặt quân đội trong tình trạng báo động khi gần đây CHDCND Triều Tiên thường xuyên có những động thái bất ngờ như thử tên lửa, đấu pháo với Hàn Quốc. Ngoài ra, Tokyo cũng đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là việc Trung Quốc ngày càng có những hành vi quyết đoán trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Trước những lo ngại này của đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo rằng, 2 tàu khu trục của Hải quân trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được triển khai đến Nhật Bản vào năm 2017. Các tàu này sẽ gia nhập đội ngũ 5 tàu chống tên lửa khác đang đóng quân ở Nhật Bản.“Đó là một phản ứng để chống lại những hành động khiêu khích”- Bộ trưởng Chuck Hagel tuyên bố.
Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng song phương nhằm chống lại mối đe dọa từ các vụ phóng tên lửa "khiêu khích" của Triều Tiên.
Tuyên bố của phía Mỹ đưa ra tiếp sau việc triển khai radar cảnh báo sớm thứ hai của Mỹ tại Nhật Bản hồi tháng 10.2013 và quyết định tăng số lượng lá chắn tên lửa trên mặt đất tại Alaska. Theo Bộ trưởng Hagel: "Các bước này sẽ tăng cường mạnh khả năng bảo vệ cả Nhật Bản và Mỹ trước những mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".
Theo đó, các nguyên tắc hợp tác quốc phòng lần đầu tiên trong 17 năm qua giữa Washington và Tokyo sẽ được điều chỉnh, trong bối cảnh Tokyo có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể của mình.
Cảnh báo Trung QuốcNhật Bản hiện đang vướng vào việc tranh chấp ngày càng gay gắt với Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, và một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng động thái của Nga trong vấn đề Ukraine có thể khuyến khích Bắc Kinh hay các cường quốc khác tiến hành các hành động đơn phương nhằm giải quyết các tuyên bố lãnh thổ.
Washington cho rằng, Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
|
Những căng thẳng dâng cao ở khu vực Biển Hoa Đông đã khiến Mỹ phải phát biểu một cách rõ ràng rằng hiệp ước bảo vệ lẫn nhau của Mỹ với Tokyo được áp dụng cả đối với các hòn đảo hiện đang do Nhật Bản quản lý. Washington đã cảnh báo Trung Quốc tránh giải quyết bất đồng thông qua vũ lực.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã từng nêu lên quan điểm của Mỹ tại một cuộc họp với ASEAN ngày 3.4 rằng, Mỹ thực sự có "những quan ngại gia tăng" trước những tranh chấp lãnh thổ giữa một số quốc gia ở khu vực Biển Đông, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố hầu hết chủ quyền. Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác cáo buộc Trung Quốc hung hăng khẳng định chủ quyền và ông Hagel đã nói rằng không thể có chỗ cho sự "ức hiếp kẻ yếu". Ông Hagel khẳng định, Mỹ không nghiêng về bên nào trong những tranh cãi lãnh thổ cụ thể và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Song ông nói thêm rằng: "Chúng tôi sẽ luôn coi trọng tất cả những cam kết thỏa thuận của chúng tôi với các đối tác".
Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh rằng, quyền lực vĩ đại thì trách nhiệm phải lớn lao và Trung Quốc là một cường quốc, nên càng phải hành xử đúng với khái niệm quyền lực vĩ đại. Ông cũng cho biết, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7.4, ông sẽ thảo luận chi tiết hơn với người đồng cấp Trung Quốc về việc minh bạch trong quân sự và tránh dùng “quyền lực vĩ đại” để gây ra xung đột.