Những tín hiệu lạc quan
Với việc lãi suất cho vay tam nông tối đa là 8%/năm - giảm 1% so với trước, đặc biệt nhiều lĩnh vực chỉ còn 7%- đã như là một niềm lạc quan đối với các doanh nghiệp ở nông thôn. Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) ghi nhận chính sách hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước rất kịp thời để triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ giúp vực dậy giá lúa gạo đông xuân đang rớt mạnh trong mấy ngày qua.
Doanh nghiệp thu mua lúa gạo theo kế hoạch tạm trữ giai đoạn này của Chính phủ sẽ được hưởng lãi suất vay 7%. Ngân hàng Nhà nước còn kéo dài thời gian thu mua tạm trữ đến 6 tháng, trong khi mọi năm có 4 tháng. “Điều đó giúp ích chúng tôi rất nhiều vì nó giảm bớt áp lực trả nợ, phải bán tháo gạo ra khi chưa có giá tốt khiến doanh nghiệp thua lỗ như năm rồi. Động thái nói trên đã có ngay những tác động tâm lý tích cực, giúp cho giá lúa ở ĐBSCL mấy ngày qua đã tăng lên 200 - 300 đồng/kg”- ông Tuấn cho biết.
Vốn lãi rẻ nếu về được với nông dân sẽ giúp họ phát triển sản xuất (ảnh minh họa).
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Huân- Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (TP.Hồ Chí Minh) cho biết rất vui khi thấy Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay. Đây là một chính sách đúng trong tình hình kính tế khó khăn hiện nay nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ngành nông nghiệp có thêm cơ hội đầu tư máy móc, công nghệ mới, đặc biệt trong ngành chăn nuôi có cơ hội khôi phục lại sản xuất, tái đàn sau khi dịch cúm gia cầm kết thúc. Đặc biệt với những doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thì càng có cơ hội tiếp cận được nguồn vay với lãi suất thấp hơn để đầu tư mở rộng quy mô, sẵn sàng cho công cuộc tiếp đón làn sóng nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam khi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết.
Băn khoăn việc tiếp cận nguồn vốnDù vui mừng với mặt bằng lãi suất mới, nhưng theo ghi nhận của phóng viên NTNN, nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ sự băn khoăn, bởi lãi suất giá rẻ sẽ đồng nghĩa với việc khó tiếp cận. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đặt vấn đề, đây thực chất chỉ là “mồi nhử”, là liệu pháp tâm lý bởi tiếp cận vốn vay vào thời điểm này là rất khó.
Giám đốc một công ty kinh doanh lúa gạo tại Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ bày tỏ quan điểm: Việc hạ lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng Nhà nước là một giải pháp nhằm giúp cho các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn là điều đáng phấn khởi tuy nhiên, cách triển khai, tiếp cận được nguồn vốn vay như thế nào từ phía ngân hàng là một vấn đề cần quan tâm.
“Theo tôi, để việc triển khai này mang lại một kết quả tốt, đúng với chủ trương đã đề ra thì trong thời gian tới cần phải có một bộ phận giám sát, theo dõi chặt chẽ các tổ chức tín dụng cho vay để nhằm giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi để từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Không làm được thế, lãi suất giảm chỉ là mồi nhử thôi” - vị giám đốc này cho biết.
Cần theo dõi chặt chẽ các tổ chức tín dụng cho vay để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi để từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
|
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản CAFATEX, ông Nguyễn Văn Kịch cho rằng để giúp các doanh nghiệp kinh doanh một cách có hiệu quả thì việc hạ trần lãi suất phải được ổn định và mức lãi suất phải tiến tới hạ từng bước một, giữ bền vững lâu dài”.
Theo ông Kịch, nếu so sánh với mức lãi suất của các nước trên thế giới về việc sử dụng các doanh nghiệp kinh doanh và xuất nhập khẩu thì mức lãi suất ở Việt Nam còn quá cao. Chính vì yếu tố lãi suất cao này khiến doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các nước khác trên cùng một thị trường. Đứng về góc độ doanh nghiệp mong muốn rằng tiến tới mức trần lãi suất cần phải từng bước hạ bằng và tương đương với các nước, có như vậy chúng ta mới có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa): Hiện gia đình tôi đang còn vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng với lãi suất 12%/năm. Nếu mức lãi suất giảm xuống còn 8%/năm thì rất đáng mừng. Tuy nhiên, hiện nay nông dân, ngư dân còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay, bởi trước kia chỉ cần có giấy chứng nhận tàu thuyền là có thể được vay với mức vay tùy vào giá trị con tàu. Nhưng nay, ngoài giấy chứng nhận tàu thuyền còn phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất (sổ đỏ). Trong khi đó, tỷ lệ nông, ngư dân có sổ đỏ rất thấp. Bên cạnh đó, mức vốn cho vay khá thấp so với tài sản, ví dụ tàu đánh cá mới trị giá 2,5 tỷ đồng, giỏi lắm chỉ được vay 500 triệu đồng.
Ông Phạm Rùm - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Năm Rùm (Phú Yên):
Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay tam nông là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các hộ vay nuôi tôm vẫn chỉ được thế chấp nhà và sổ đỏ, còn tài sản hồ nuôi thì không được ngân hàng “ngó ngàng”. Thế nên lượng vay rất ít, không đủ “thấm tháp” để đầu tư làm ăn. Đối với vốn vay có tín chấp của các tổ chức xã hội, thì lượng tiền vay mỗi lần cũng rất thấp. Ngân hàng phải “nới tay” cho vay thì may ra người nuôi tôm mới thực sự “mặn mà” với vốn vay ngân hàng.
Ông Ngô Tận - Phó Chủ tịch xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa, Phú Yên):
Bây giờ, mua cặp bò giống cũng phải từ 30 triệu đồng trở lên, nuôi 1 năm đã có lãi cỡ một con bò. Thế nhưng hiện nay, bà con nông dân chỉ vay được 5 - 10 triệu đồng mỗi lần, thì chẳng giải quyết được gì. Ngân hàng đang quá “nhỏ giọt” với nông dân. Các ngân hàng của Nhà nước đang đòi hỏi quá nhiều thủ tục đối với nông dân vay vốn. Nên chăng, chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương, là bà con nông dân có thể vay được vốn từ ngân hàng. Đức Tuấn- Mai Khuê (ghi)
|