Nâng niu nhúm rau dại trên lòng bàn tay phong trần, ông Cao Trung Kiên, thổ địa sành ăn ở Bạc Liêu phân trần: “Đây mới là giống rau đắng xa hè. Dễ thương vô cùng!”
Khác xa rau đắng biển (thường mọc sau hè), rau đắng đất chứa mùi thơm thanh thoát đặc trưng, hợp với nhiều món nước: cháo lòng, canh (lẩu), cháo cá đồng, mì hải sản... Mãnh lực của làn hương ấy khiến người đang mỏi mệt do thời tiết, hoặc tối qua say quắc cần câu cũng sảng khoái dần.
Nồi cháo cá đồng mà vắng rau đắng đất, kể như “nửa hồn thương đau”.
Nếu bỏ rau vào từ đầu, rồi nấu lên như các loại rau thông dụng khác, sẽ đắng trân mình. Sành điệu là lấy luôn cả rễ. Và bốc 5 – 10 cọng rau nhỏ xíu ấy đặt vào đáy tô hoặc chén, rồi cho thức ăn đang bốc khói vào. Làm cách này, rau sẽ đắng vừa phải, thêm hậu ngọt lạ lùng. Chính
vị ngọt thanh tân đó, khiến người ta thêm thèm ăn. Khi bén mùi thì khó cưỡng!
Không chỉ trợ gan giải độc, thứ rau chân dính phèn này còn tốt cho hệ thần kinh, tim mạch – theo ông Nguyễn Phúc Ưng Viên thầy thuốc thừa truyền vương triều Nguyễn, ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ông Viên giảng giải: rau cỏ trước đắng sau ngọt mới quý, đơn cử như rau đắng đất, măng tre tươi, rau má sẻ (loại lá nhỏ). Đó là những thực phẩm ngon lành trời cho, mà nhiều người... quên hưởng.
Thế nhưng, giống rau vừa kể cũng không dễ ngoan hiền. Nó thích mọc đâu thì mọc, không thể di thực đi chỗ khác. Nơi nào, có vài bụi vào mùa này thì mùa sau sẽ đông đúc hơn chục lần. Đặc biệt hơn, nó khoái núp bóng những bờ ruộng ẩm, lùm gốc rạ bẻ cò lom khom... Nhờ vậy, thường non mướt. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín từng ví von: rau đắng đất là người tình phụ chứ không phải chính. Rất khó chiều!
Cho nên, ông Trung Kiên thề không bỏ sót một cọng – dù già. Nhổ về, rửa sạch, để ráo, ông cẩn thận sao vàng bằng nồi đất. Lại hạ thổ rồi ngâm rượu đế. Ông cười khà khà nói: “Nhờ nó mà tui còn đứng vững ở chiếc ghế hội trưởng hội... hai lít đế, xứ công tử Bạc Liêu này đó chứ!”
Ghé chợ Hoà Bình, ở quận 5, TP.HCM, hỏi chị Hạnh chuyên bán rau non dại miền Tây, lối vào chợ cá, chị gạt mồ hôi trán nói: rau đắng đất dặn trước mới có, giá khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg. Đồng thời, chợ Nhị Thiên Đường, ở quận 8, TP.HCM buổi sáng cũng có vài người bán, giá tương đương nhưng không non lặt lìa bằng chỗ chị Hạnh.