Dịp áp Tết Giáp Ngọ, ra Hà Nội dự hai Hội nghị Báo chí toàn quốc và Thông tin đối ngoại... Rồi cũng thu xếp thời gian, buổi trưa được chiến hữu Nông thôn ngày nay đón từ cổng Bộ Quốc phòng tranh thủ đưa lên xứ Đoài xem trâu, thật may mắn hết chỗ nói!
Tác giả trong lần công tác tại Hà Nội.
Mình từ biển giã xứ Nẫu, bản doanh chốn Thủy Tinh, hành hương vùng hữu
ngạn sông Đáy hướng về núi Tản Viên ăn bữa cơm Sơn Tinh, húp bát canh do
nàng Mỵ Nương nấu, xem con trâu do thần dân của họ chăm sóc chuẩn bị
cho cuộc tranh bá, nói như Thánh Thán là “cũng chẳng sướng sao!”.
Ở xứ Nẫu chúng tôi, con trâu là đầu cơ nghiệp của nền văn minh lúa nước được đặt lên ngôi vị… chồng: “Mất chồng như nậu mất trâu - Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm”. Chuyện vợ chồng thì vậy, còn hồi trai gái thì lại cho anh con trai làm trâu, nữ thì… ngoại phạm: “Trâu đi tìm cọc chứ cọc sao đi tìm trâu”!
Anh con trai nhiều lúc lăng xê em gái chút, nâng lên ngang hàng… ngọn cỏ: “Em như ngọn cỏ phất phơ - Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng”. Anh chồng tiếp tục… địa vị trâu trên chốn sa trường chăn gối, ngoài việc nội trị, có yếu tố… nhạy cảm đối ngoại: “Của chua ai nấy cũng thèm - Em cho chị mượn chồng em vài ngày - Chồng em đâu phải trâu cày - Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm”.
Dù vậy, khi anh chồng chưa xứng mặt nam nhi thì bị xuống cấp là… chất thải của trâu: “Con vợ khôn lấy thằng chồng dại - Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”, ôi chua ngoa ngút trời! Nhưng khi con trâu có khuyết điểm, thì bị đặt ngang hàng… bà vợ: “Thứ nhất vợ dại trong nhà - Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn”.
Câu này chắc không đấng nam nhi nào dại dột đọc trong ngày kỵ húy 8-3, trừ một nhà thơ dân dã ở Phù Cát, đang sa đà vào thơ rượu - rượu thơ, bà xã xách dép hùng hổ chạy một mạch từ nhà vù vù đến, lao thẳng vào với sức gió cấp siêu bão Haiyan, có thể làm đổ nát cả Phi Lip Pin!
Nhưng, trong hoạn nạn mới hiểu tình nhau, một bạn thơ xông ra không phải để cản đường (có lực sĩ cũng chưa dám cản đường), mà là để… giải nguy: "Trời sinh cái đó để sờ - Ai sinh cái đó để thờ trên trang - Trời sinh đôi dép để mang - Ai sinh đôi dép để phang trên đầu". Trời ơi, đây là chiêu siêu, có thể sánh với bất cứ một điển tích nào về chuyện liều mình cứu bạn!
Bà vợ anh nọ, trước thơ ca hữu lý hữu tình, liền hạ hỏa tức thì, mềm nhũn như… hoa trinh nữ gặp mưa! Thì ra, đàn bà họ rất tuyệt vời chứ không như đôi hồi ai đó lầm tưởng, từ phận trâu (mượn của đàn ông) họ bỗng chốc trở về nguyên phận “cọc”, phận “ngọn cỏ phất phơ!”.
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: Xứ Nẫu)
Ở xứ Nẫu còn có chuyện, anh nọ nuôi con trâu đực, nó lân la tìm con trâu cái mơn mởn đào tơ nhà chị hàng xóm "tán tỉnh", cặp đôi trâu này hưởng ngay tuần trăng mật tại một sào ruộng đang lên đòng, nát đến không một cọng lúa nào dù hí hố đến đâu còn dám ngẩng đầu lên được. Bà con xúm đến xem, chủ sào ruộng ngẫm nghĩ một hồi, ra giá đền một triệu.
Chủ con trâu cái ban đầu chỉ đổ thừa do con trâu đực cưỡng bức con trâu cái nhà lành! Chủ con trâu đực cãi rằng đây là vì "tình yêu muôn thuở" trong điều kiện cả hai trâu đã trưởng thành. Hơn nữa tại hiện trường, trâu đực mệt lử nằm thở, còn trâu cái thể hiện đầy sung sướng trên nét mặt không giấu giếm được. Chủ con trâu cái nghe hữu lý hữu tình, bèn xuống nước thẹn thùng nói với chủ con trâu đực, thôi thì việc đã lỡ vậy, vì chúng nó động cỡn ngoài tầm kiểm soát!
Chủ con trâu đực được thế, ngẩng cao đầu nói không được không được, về mặt dấu vết, con trâu cái của chị dày xéo đám ruộng đúng bốn bàn chân, còn con trâu đực của tui chỉ thấy giậm ruộng có hai chân sau! Bà con vỗ tay rôm rốp đồng tình, chị chủ con trâu cái e lệ xuống thêm một nước nữa, thôi thì chia nhỏ em bốn phần anh hai phần. Anh chủ con trâu đực nắm chuôi kiếm thượng phong phán tiếp, cũng được, nhưng với điều kiện là việc sở hữu con trâu con trong bụng con trâu cái, sau này được sinh ra là của tui chứ không phải của chị.
Đến đây thì sự việc không kết thúc được, khi chị chủ con trâu cái nói về mặt đạo lý, ai mang nặng đẻ đau là của người ấy. Tuy nhiên chuyện dân gian luôn kết thúc có hậu. Nghe nói sau vụ này, anh chủ trâu đực đã bị buộc vào tròng vì chị hàng xóm phát hiện năng khiếu hài hước mà thực hiện nghi thức “cả trâu và cọc cùng tìm nhau”; về phương diện chủ trâu, hai anh chị hẹn hò góp gạo thổi cơm chung; về mặt trâu, hai con đực cái hai nhà hợp nhất thành một chuồng! Đúng là chúc phúc đôi vợ chồng nông dân và cả đôi trâu xứ Nẫu, đàng người lẫn đàng trâu đều trọn vẹn đôi bề.
Trâu xứ Nẫu còn vô thiên lủng chuyện vui, anh hùng hào kiệt như chàng Lía truông Mây còn phát tích từ lưng trâu, xẻ trâu địa chủ đãi chúng bạn bần cố nông, khi đôi trâu báng nhau dám kéo đuôi dàn hòa làm trẻ trâu thán phục thủ lĩnh! Trên núi, dân tộc Ba Na Kriêm; Chăm Hroi có lễ đâm trâu hiến sinh, bi tráng thượng võ; tộc người H”rê có trang trí đôi sừng trâu trên mái nhà tâm linh; cũng hoành tráng lắm.
Còn ở biển, có con trâu biển (hải ngưu), ăn cỏ biển ở các vùng duyên hải nhiệt đới. Ở xứ Nẫu, có Thái Bình Đạo An Thái lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái mình, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp và con trâu là loài vật hiền lành, cần mẫn khoan hòa trong lao động; kiên cường dũng mãnh trong chiến đấu.
Trở lại chuyện xứ Thủy Tinh thăm xứ Sơn Tinh đang có Hội chọi trâu hoành tráng mà nhiều đồng nghiệp đưa slogan truyền thống cư dân Văn Lang văn minh lúa nước; xin chúc mừng các đồng nghiệp Nông thôn ngày nay đã tạo dựng nên một ngày hội kỳ vĩ.