Diễn đàn có sự tham gia của 250 chuyên gia, kỹ sư chăn nuôi và nông dân tại 12 tỉnh vùng Bắc Bộ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 10.2013 đàn lợn cả nước đạt 26,79 triệu con, tăng 1,1% so với năm 2012. Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Mặc dù là quốc gia có sản lượng thịt lợn khá cao trên thế giới, song Việt Nam vẫn không có mặt trong tốp các nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới. Nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất chăn nuôi còn nhỏ lẻ; các sản phẩm thịt lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; vẫn tồn tại phổ biến tình trạng dùng chất cấm, chất tạo nạc, hóa chất, kháng sinh; việc giết mổ không được kiểm soát chặt chẽ...
“Thống kê của Cục Thú y, hiện cả nước có 28.285 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó 10.566 điểm giết mổ không được giám sát, kiểm soát của cơ quan thú y. Một số tỉnh đã xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung nhưng thực chất đây chỉ là nơi tập trung gia súc, gia cầm để giết mổ, việc giết mổ vẫn trên sàn, không tuân thủ quy trình giết mổ” - ông Thông nhấn mạnh.
Vẫn còn ít cơ sở giết mổ và tiêu thụ thịt lợn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Các đại biểu cũng nêu thực tế: Các thôn xóm, xã đều có hộ giết mổ, kinh doanh thực phẩm, công suất giết mổ lợn, trâu bò từ 1- 3 con/ngày, hộ nhiều từ 5 -10 còn/ngày. Các điểm giết mổ này gần như không đủ các điều kiện về vệ sinh thú y, diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất tồi tàn, quá trình giết mổ đều được thực hiện ngay trên sàn... Do vậy, hầu hết các điểm giết mổ này mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn An Cầu, xã Vĩnh An (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) - gia đình có thâm niên 20 năm trong nghề thu mua và giết mổ lợn, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ làm theo kiểu truyền thống, mua lợn của bà con sau đó về giết mổ và đem ra chợ bán chứ chẳng có kiểm tra hay quy trình gì cả. Khong riêng gì gia đình tôi, mà hầu hết các hộ chăn nuôi, thu mua và giết mổ lợn tại đây đều thế” - chị Huyền cho hay.
Ông Thông cho biết, phát triển chăn nuôi lợn theo hướng thực phẩm an toàn đang là hướng đi đúng đắn và giúp bà con nâng cao giá trị kinh tế. Việc áp dụng chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng VietGAHP là một trong những mắt xích quan trọng trong việc thiết lập chuỗi thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng.
Đồng thời, trung tâm cũng xây dựng mô hình trình diễn, giúp cho các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi hiểu biết về chăn nuôi an toàn, góp phần giảm thiểu dịch bệnh nhằm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương.