Bản báo cáo được công bố ngày 2.5 cho rằng, nếu tiếp tục được phát triển và trở thành một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa Taepodong-2 của Bình Nhưỡng có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và vươn tới một số vùng lãnh thổ của Mỹ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không tiết lộ thời gian ước tính để Triều Tiên thực hiện được khả năng nói trên.
Nhận định này không còn mới, bởi trước đó đã có nhiều nguồn tin từ Triều Tiên, thậm chí ngay cả giới chức Mỹ cũng cho rằng, Triều Tiên có thế trang bị đầu đạn hạt nhân vươn đến Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng đã làm giảm độ nhạy cảm của thông tin này với viện dẫn chưa có bằng chứng chứng minh điều đó. Tuy nhiên, đến nay, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ lại một lần nữa đưa ra vấn đề này với nhiều lý lẽ thuyết phục hơn. Vì sao vậy?
Mô hình tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng. |
Giới chuyên gia cho rằng, chính nhờ phân tích những bộ phận thu hồi được từ vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên hồi tháng Hai vừa qua, kết hợp với các thông tin tình báo khác, quân đội Mỹ đã có bằng chứng để nhận định Triều Tiên đã có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Báo cáo cũng cho rằng tiến trình phát triển công nghệ hạt nhân của Triều Tiên sẽ phụ thuộc một phần vào việc Bình Nhưỡng đầu tư bao nhiêu nguồn lực vào chương trình này.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh, Bình Nhưỡng đang tiếp tục các hoạt động nâng cấp vũ khí nguyên tử, bao gồm vụ thử hạt nhân hồi tháng 2.2013, và hiện đủ khả năng tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân bất kỳ lúc nào. Báo cáo nhấn mạnh, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục các cuộc thử nghiệm và đầu tư những nguồn tài nguyên khan hiếm của chính quyền vào các chương trình này, Triều Tiên sẽ tiến gần hơn tới tham vọng của họ cũng như tăng cường đe dọa các lực lượng Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Lầu Năm Góc cũng đánh giá, Triều Tiên là một trong những mối đe dọa lớn nhất trong khu vực mà Mỹ phải đối mặt, bởi Bình Nhưỡng đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa, thực hiện các vụ bán công nghệ vũ khí cho các nước khác… Lầu Năm Góc cũng tố cáo rằng, có nhiều biểu hiện cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục bán vũ khí cho Iran, Myanmar và Syria, mặc dù những nước liên quan này lên tiếng phủ nhận.
Mỹ đã nhiều lần hối thúc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và ngưng gây ra những mối đe dọa cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Trong chuyến thăm châu Á hồi trung tuần tháng Tư vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng nhấn mạnh, chương trình hạt nhân nguy hiểm của Triều Tiên không những gây đe dọa cho các nước láng giềng mà còn đe dọa tới chính nhân dân nước họ và đe dọa tới Giấc mơ Thái Bình Dương. “Mỹ vẫn sẵn sàng cho những cuộc thương lượng thật sự và đáng tin cậy về vấn đề phi hạt nhân hóa, nhưng gánh nặng chứng minh nằm ở phía Bình Nhưỡng”, ông Kerry nói.
Quang Minh