Dân Việt

Làng cổ: loay hoay giữa bảo tồn và phát triển

VNN 07/01/2014 07:55 GMT+7
TP.Hà Nội có tới 60 làng cổ, nhưng chỉ có Đường Lâm được công nhận. Vấn đề bảo tồn và phát triển còn loay hoay thì con số 60 làng cổ được đưa vào danh sách bảo tồn liệu có quá sức với các nhà hoạch định?
Bảo tồn một làng cũng chưa xong

Làng xã ở Hà Nội như Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Cự Đà (huyện Thanh Oai), Đông Ngạc (huyện Từ Liêm), Ngũ Xã (quận Ba Đình), Nghi Tàm (quận Tây Hồ)… đang chịu sự tác động mạnh mẽ bởi công cuộc đô thị hóa.

img

Theo KTS Lê Thành Vinh, những thay đổi chóng mặt của làng cổ khiến bất cứ ai từng biết tới làng đều xót xa. Ông lấy một ví dụ điển hình ở làng cổ Cự Đà. Chụp ảnh từ năm 2004 và tới năm 2013, ông so sánh lại thì hầu như những gì cổ xưa đều biến mất. Bộ mặt làng cổ “lem nhem” bởi những kiến trúc thời thượng xen lẫn những nét cổ kính rêu phong.

Ông Trương Minh Tiến (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) cho biết, theo thống kê ban đầu của các quận, huyện, thị xã vào tháng 7-2013, trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 60 làng được đề xuất đưa vào danh mục nghiên cứu lựa chọn công nhận là làng cổ.

Thế nhưng cho tới nay, Đường Lâm vẫn là cái tên duy nhất được công nhận trong danh mục làng cổ mà HĐND thành phố Hà Nội thông qua.

Tuy nhiên, làng cổ duy nhất này vẫn đang còn lúng túng loay hoay trong cách bảo tồn và phát triển thì con số 60 làng cổ được đưa vào danh sách bảo tồn, liệu có quá sức với các nhà hoạch định?

Giảm bớt phong trào chạy đua di tích


Giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho biết: “Hà Nội có rất nhiều làng cổ và hồn của dân tộc nằm ở đó. Nhưng việc công nhận là di tích, di sản cần cẩn thận. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang có quá nhiều di tích nên không bảo vệ được tinh hoa. Lúc này chúng ta cần rà soát lại danh sách di tích, giảm bớt phong trào chạy đua”.

TS. Đặng Văn Bài (Hội đồng di sản quốc gia) cũng cho rằng, những vấn đề phát sinh vướng mắc mà Hà Nội vấp phải trong bảo tồn làng cổ vừa qua cũng vì chưa đặt con người chủ thể của di sản làm trung tâm.

GS.TS.KTS Phạm Đình Việt cho rằng, bảo tồn làng là bảo tồn một điểm dân cư “sống”. Vai trò của cộng đồng rất quan trọng vì họ là những người sở hữu các di sản một cách hữu hình và vô hình, họ cần được hưởng lợi nhuận từ nó nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó một cách trung thực nhất.

Theo KTS Nguyễn Thành Vinh, có tới 95% người dân không muốn làng mình được công nhận là cổ. Ông đưa ra một câu nói của người dân mà ông vẫn ám ảnh nhiều năm nay khi về một số làng cổ. Họ nói: “Chúng tôi có cảm giác như mình là con thú bị nhốt ở trong cũi, người ta tới ngó nghiêng này khác rồi về”.

Vậy nên, trong tốc độ đô thị hóa hiện nay, vấn đề bảo tồn làng cổ là một bài toán nan giải mà để cân bằng được giữa bảo tồn và phát triển lại là cả một quá trình nghiên cứu tỉ mỉ.

Cốt lõi của vấn đề là bảo tồn giá trị của di tích, di sản với không gian, công trình kiến trúc, cảnh quan… phải được tiến hành song song với việc bảo đảm đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và quan trọng là nhận được sự đồng thuận từ chủ thể di sản – người dân.

"Bảo tồn làng cổ để nó giữ được hồn cốt bao đời tích tụ, vẫn phát triển và thích nghi với cuộc sống đương đại, không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan, mà đó chính là trách nhiệm, nghĩa vụ, vinh dự của cả cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng và trông nom. Có như vậy việc bảo tồn di tích, di sản mới có thể đồng hành cùng sự phát triển", ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.