Dân Việt

Bí ẩn ở Stockholm

Lê Huyền 02/02/2014 10:21 GMT+7
Stockholm, thủ đô Thụy Điển duyên dáng, trầm mặc với những thành cao, hào sâu đồ sộ soi mình xuống hồ Malaren. Thế nhưng, Stockhom còn có quán cà phê kiểu… nhà tù và cây cầu chết chóc.
Stockholm có cổ trấn Gamla Stan, có cung điện hoàng gia, tòa thị chính thành phố, Bảo tàng Skansen và nhiều bảo tàng ngoài trời khác… Chúng tôi chọn đi thăm cổ trấn Gamla Stan đầu tiên. Đó là một thị trấn cổ với những con đường lát đá vòng vèo, có cảm giác như hình trôn ốc. Chốc chốc lại có những con ngõ nhỏ với cái cổng thấp đặc thù. Trong đó có một cái ngõ nhỏ tới mức chỉ vừa cho 1 người đi xuống hoặc đi lên. Bên trong khu thị trấn cổ là những cửa hàng, quán bar... với giá cả khá đắt đỏ.

  Đường phố nhỏ ở cổ trấn Gamla Stan.
Đường phố nhỏ ở cổ trấn Gamla Stan.

Bước chân vô định đưa tôi tới Bảo tàng Nobel. 7 giờ sáng, bảo tàng còn chưa mở cửa nên tôi đành đi tiếp rồi chợt lạc vào một con ngõ nhỏ. Trên những bức tường đá phằng lỳ của con ngõ hiện ra một cánh cửa gỗ nặng nề đang mở toang. Bên trên cánh cửa ghi tên: Café Sten Sture, Trångsund 10, 111 29 Gamla Stan, Stockholm. À, ra là quán cà phê. Tôi tò mò bước sâu xuống bên dưới…

Bên trong tối hun hút, tôi dò dẫm bước qua những bức tường đá và trần thấp để đi sâu vào lòng đất, tưởng như đang bò trong một địa đạo. Rồi bất chợt một cái hốc nhỏ với ánh sáng vàng vọt hiện ra, bên trong hốc là cái bàn và vài ba cái ghế nhỏ - cảnh thường thấy của một quán cà phê. Qua 3,4 cái hốc như thế cộng với đôi ba phòng nhỏ có song sắt nặng nề, tôi tới một căn phòng lớn, nơi có nhân viên phục vụ, pha chế đang bắt đầu công việc buổi sáng.

Cốc cà phê đậm đà giúp tôi bắt chuyện với Daniel, một người dân phố cổ. Nơi tôi đang ngồi, trước kia là một nhà tù. Một sĩ quan quân đội Thụy Điển là Jacob Johan Anckarström (bị xử tử vì tội giết vua) từng bị giam ở đây. Từ năm 1792, nó trở thành quán ăn, quán cà phê như hiện nay.

Daniel hẹn sẽ làm người dẫn đường cho tôi thăm một nơi bí ấn khác. Đó là một cây cầu vô danh nằm ngay giữa Stockholm, nối một tòa nhà cao tầng tới một quả đồi dốc - nơi có nhà thờ và một quảng trường nhỏ.

Phải tới tối, tôi mới quay lại được cây cầu này. Bước chân lên cây cầu bắc qua con đường lớn, phía dưới loang loáng ô tô qua lại khiến tôi cũng hơi… run chân vì cảm giác phía dưới gần như hẫng vì khoảng không. Hóa ra đỉnh của tòa nhà phía đầu cầu bên kia cũng là một quán cà phê, nơi có thang máy Katarina là một thang máy có lẽ là đầu tiên của thế giới, được vận hành từ năm 1881 và sửa lại vào năm 1935, đưa khách từ khu Slussen tới đỉnh Södermalm.

Ngồi nơi đây đúng là có cảm giác đặc biệt, tôi như rơi vào một vùng nào đó xa lạ, đầy lo lắng bởi vẻ u tối, lạnh lẽo. Không có ánh sáng, con người cảm thấy thật đơn côi.

Tôi tò mò bởi phía trên cây cầu đã được quây lưới thép khá kín. Đầu cầu phía quán cà phê còn được quây lưới thép ra 2 phía dài tới 10m. Tôi hỏi Daniel vì sao lại phải quây kín như vậy, ông trả lời gọn lỏn: “Để hạn chế người lên đây… tự tử”.

Tôi ngạc nhiên, Thụy Điển là quốc gia có mức sống cao nhất nhì thế giới, thành phố xinh đẹp, môi trường trong lành, cảnh sắc tuyệt đẹp…vì sao lại có những người chán sống? Daniel nhún vai: “Cũng khó nói lắm, họ sống ở nơi tốt nhất thế giới nhưng họ không nghĩ đó là tốt nhất. Hơn nữa, số hộ độc thân ở Stockholm cũng khá nhiều, những mùa đông dằng dặc, trời 9 giờ mới sáng, 4 giờ chiều đã tối mịt khiến tinh thần cũng bị ảnh hưởng”.

Ra vậy, đó là bí ẩn. Nhưng, bên chén trà nóng trong tiết trời mùa hè của Stockholm, Daniel cũng phân trần, người dân Stockholm có nhiều cách chống chọi với mùa đông băng giá. Họ đi tập aerobic, tập yoga, tham gia các trò chơi trong nhà… để giữ sức khỏe, nâng đỡ tinh thần.