Dân Việt

Người mẹ mất hai tay vẫn thi thể hình, mơ trở thành sao Hollywood

Bích Ngọc (Dòng Đời) 15/03/2014 08:15 GMT+7
Barbie Thomas là một người mẹ đầy cảm hứng, bị mất hai cánh tay lúc 2 tuổi nhưng nay là một VĐV thể hình.
Bà cũng đang là một người mẫu và đang mong sẽ trở thành một nữ diễn viên ở kinh thành điện ảnh Hollywood.

Barbie 37 tuổi nói chẳng có việc gì mà bà không thể làm được.Bà bỏ công sức rất nhiều mỗi khi tranh tài ở các giải thể hình và như bao gia đình khác, bà nói việc nuôi dạy 2 cậu con trai ở tuổi teen là một công việc vả. Nhưng trước những thách thức lớn lao, bà càng dốc sức để vượt qua nó cho bằng được,vì Barbie nói niềm cảm hứng lớn nhất của bà chính là bị người khác nói bà chẳng thể làm được việc gì đó !
Barbie Thomas trên sàn đấu.
Barbie Thomas thực hiện một động tác nhảy khi thi thể hình.

Barbie nói: “Có người từng nói với tôi rằng “Bà biết bà chẳng bao giờ có thể chiến thắng”, và cho đến ngày nay, những lời lẽ ấy như là một ngọn lửa cháy trong tim óc tôi.Vì khi người ta nói tôi chẳng thể làm được việc gì đó, tôi sẽ làm tất cả để chứng minh họ sai”.

Mất tay vì bị điện giật

Barbie lúc 2 tuổi từng nghịch dại: trong lúc đang chơi đùa ở bên ngoài tòa chúng cư ở Texas, em bám vào chiếc máy biến điện và dùng hai tay chụp lấy các sợi dây điện !. Dòng điện cao thế truyền khắp cơ thể nhỏ bé của em, và cú điện giật khiến hai cánh tay cô bé bị cháy từ bàn tay đến tận xương vai. Barbie kể lại: “Lúc đó chúng giống như hai cục than đỏ. Chúng bị cháy thiêu hoàn toàn và phải cắt bỏ đến tận vai”. Các bác sĩ đã dự đoán Barbie sẽ không thể sống nổi, hoặc sẽ phải chấp nhận cuộc sống thực vật suốt cả phần đời còn lại. Barbie kể: mẹ cô đã ước nếu con phải sống như thế, thì bà “chỉ xin Thượng đế đem Barbie về với Ngài, còn nếu cho con của con sống, xin hãy chuyển con của con thành một con người mới”.
Barbie Thomas thực hiện một động tác nhảy khi thi thể hình.
Barbie Thomas hàng ngày đều tập luyện.

Barbie đã không chỉ sống mà còn làm được điều không thể: trở thành một nữ VĐV thể hình. Bà nói: “Cảm ơn Thượng đế vì tôi còn sống. Các bác sĩ bị choáng vì sự hồi phục của tôi. Họ tin rằng tôi sống sót là nhờ đế cao su ở đôi giày thể thao của tôi mà tôi không bị dòng điện giật chết. Quả thật là có thể như thế, nhưng tôi thì cho rằng tôi sống sót vì Thượng đế có nhiều kế hoạch khác cho tôi”.

Khi con gái bị tai nạn lúc còn quá nhỏ, mẹ Barbie rất buồn nhưng em lập tức học thích ứng với sự tật nguyền của mình: dùng hai chân để ôm mẹ. Em đã trải qua một thời gian rèn luyện phục hồi chức năng. Lớn dần lên, Barbie nhiệt tình tham gia các hoạt động thể thao như chơi bóng đá, khiêu vũ, chạy bộ, thể dục nhịp điệu và rèn luyện thể hình trở thành một phần trong cuộc đời của cô.

Tập thích ứng với cuộc sống mà không có đôi tay là một thử thách lớn và thậm chí nhiều năm sau, khi đã sống tự lập, Barbie vẫn còn phải tạo được cảm hứng để làm những việc bình thường. Bà kể bà rất khó khăn mới có thể với lấy món hàng nào đó đặt ở trên cao trong tiệm tạp hóa. Đôi lúc bà phải nhờ người giúp, và khi bà để tóc dài, bà không thể nào quấn tóc kiểu đuôi ngựa sau gáy, nên bà quyết sẽ mãi để tóc ngắn. Barbie rồi cũng có chồng, nuôi đứa con đầu lòng với sự giúp đỡ của chồng( nay họ đã ly dị nhau). Bà kể: “Tôi phải nhờ bác sĩ tâm lý để giúp tôi nuôi con. Tôi thường phải đặt con lên gối rồi nằm sát cạnh khi cho con bú. Khi hai con lớn hơn một chút, tôi dùng đôi chân để ôm con vào lòng”.
Barbie Thomas trên sàn đấu.
Barbie Thomas trên sàn đấu.

Barbie hiện sống ở Phoenix (bang Arizona,Mỹ) với hai con trai, thường xuyên đi thi đấu và bà luôn tập hợp thông tin về các thành tích của mình trên trang web “Thể hình không tay” của bà. Bà kể sau khi con trai đầu lòng chào đời, bà đã đến phòng tập để tập thể dục nhịp điệu và cử tạ. Ở đó, bà đọc những giải thể hình trên các báo thể thao và bà cho rằng đó là một môn chơi thú vị. Cuối cùng,bà quyết định tham gia tranh tài, từ sự khuyến khích của một người bạn.

Từ khi khởi nghiệp VĐV thể hình hồi năm 2003, Barbie đã thắng vài giải nghiệp dư. Bà kể khi mới bắt đầu tranh tài, đã có những ánh nhìn soi mói “chĩa” vào bà, kiểu “Mụ này làm cái quái gì ở đây ?”, nhưng họ phải ngưỡng mộ khi chứng kiến sự tự tin của bà khi thực hiện những động tác khó với cả người có đôi tay lành lặn. Hàng ngày người mẹ nội trợ đều đến phòng tập để rèn luyện: đo nhịp tim xong, bà lần thực hiện các động tác cử tạ, rồi tập nhảy, chạy bền, tập luyện cho phổi khỏe và đùi chắc và dĩ nhiên là tập cả các động tác tranh tài. Lần nọ, khi chuẩn bị dự một giải mới, bà tính sẽ khiến ban giám khảo bị bất ngờ bằng một động tác mới: một cú nhảy lộn người, điều rất khó làm khi bà không có cánh tay để có thể giữ thăng bằng khi tiếp đất. Nhưng theo một thông tin có được, Barbie đã không thực hiện động tác này, vì bà từng hứa với mẹ sẽ không để bị té thêm một lần nào nữa, do bà từng bị té khiến bị thốn đầu gối.

Barbie hiện tranh tài ở National Physique Committee (NPC) một hạng nghiệp dư của Liên đoàn thể hình quốc tế. Lãnh đạo NPC khẳng định bà là một VĐV đẹp, thi đấu tự tin, thể hiện được sự sôi động, sức sống và lột tả được cảm xúc nên khán giả rất thích xem Barbie thi đấu. Năm ngoái, NPC đã trao giải thưởng Cảm hứng cho Barbie vì nỗ lực rèn luyện-thi đấu của bà.Vị chủ tịch NPC là Miles Nuessle cũng cảnh cáo: “Chớ nên dùng chữ tật nguyền khi nói chuyện với cô ấy, nếu không muốn bị cô ấy đấm cho một quả vào mặt.Barbie chẳng phải người khuyết tật đâu”.

Giấc mơ đóng phim

Barbie có thể dùng đôi chân để cắm bàn ủi vào ổ điện, là quần áo…và bà tự mặc quần áo, trang điểm như bao người phụ nữ khác mà không cần sự giúp đỡ nào. Dù bị mất hai chi quan trọng, bà tập sử dụng đôi vai mà hai cậu con trai 13 và 17 tuổi gọi là “cục bướu của mẹ”. Khi được hãng tin ABC News phỏng vấn qua điện thoại, Barbie cho biết bà “cầm” máy bằng “cục bướu phải” áp vào tai mình. Bà cũng dùng chân để mở cửa, cắm tai nghe vào máy phát nhạc, xách giỏ và bà dùng miệng để thắt dây giày của bà.
Barbie Thomas cử tạ bằng chân.
Barbie Thomas cử tạ bằng chân.

Do Barbie bị tật nguyền, người ta cứ nghĩ hai cậu con trai sẽ giúp mẹ một tay, nhưng Barbie nói với báo Huffington Post: “Hai ông tướng ngố ấy mà giúp gì được. Giờ tôi vẫn còn mất nhiều thời giờ mới lùa được hai cậu làm việc nhà”. Ngoài việc tập luyện thể hình, Barbie thi thoảng đi làm người mẫu và hiện bà hạ mục tiêu có vai diễn trong vài bộ phim. Bà kể từng được mời góp mặt trong xuất phẩm A.I của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, nhưng bà phải từ chối vì lúc ấy bà đang có mang. Bà cho biết: trong các phim Hollywood, những diễn viên không có tay (hoặc chân) thường được mời diễn các vai bị chặt tay, chân !

Người mẹ đầy cảm hứng Barbie cũng thường đi diễn thuyết để kích thích tinh thần thính giả, nhằm giúp họ thực hiện được các mục tiêu sống của họ. Bà nói với hãng tin ABC News: “Tôi không được phép sống tiêu cực và nói “Tôi chẳng thể làm được việc gì. Tôi luôn được dạy nên tập trung tối đa vào việc mình có thể thực hiện được, chứ không tập trung vào điều mình không thể làm. Với tính cách của tôi, tôi nghĩ tôi sẽ còn đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc đời mình. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ là một người phụ nữ thụ động suốt đời”.
Thể hình là môn thể thao “cực hình”, đòi hỏi VĐV tập tạ 5 ngày/tuần, hàng ngày đều phải luyện tim mạch. Các VĐV như Barbie phải chú ý tối đa vào chất lượng dinh dưỡng món ăn và thật tập trung cho mục tiêu tranh tài. Nhưng Barbie rất vui khi đứng trước các thách thức, nhất là khi sự phấn khích ấy phát một thông điệp mạnh mẽ đến những người khác.

Bà nói: “Tôi nhận ra nó đem lại cảm hứng cho nhiều người, và không chỉ với những người bị tật nguyền. Theo đuổi ước mơ và tiếp tục giữ nó đòi hỏi có ý chí mạnh và đó là cách để vươn tới các mục tiêu mình tự đề ra cho mình. Chúng ta đều có ý chí để vượt lên khỏi những hạn chế, khuyết tật của mình”.