Dân Việt

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Ưu ái doanh nghiệp thân quen

Mai Hương 21/03/2014 06:56 GMT+7
Điểm nhanh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa công bố hôm 20.3 có thể thấy: Vùng miền núi tụt hậu, thành phố lớn thăng hạng.
Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 công bố ngày 20.3, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước đều thăng hạng, trong khi vùng miền núi vẫn tụt hậu.

Trung tâm lớn thăng hạng

Trong danh sách báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 được công bố, TP.Đà Nẵng đã trở lại dẫn đầu trong bảng xếp hạng với 66,45 điểm. Năm ngoái, Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 12 và trước đó từng có 3 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI cả nước (từ năm 2008-2010).

TP. Hà Nội đã tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng PCI (ảnh: Sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp ở Đông Anh, Hà Nội).
TP. Hà Nội đã tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng PCI (ảnh: Sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp ở Đông Anh, Hà Nội).

Ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế (VCCI), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết điểm tích cực trong bảng xếp hạng PCI năm nay là các trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đều tăng hạng. Cụ thể, TP.HCM tăng 3 hạng, lọt vào top 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước. Hà Nội tăng 18 hạng trong trong bảng chỉ số, xếp hạng 33 từ vị trí 51 của PCI 2012.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của một số địa phương.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của một số địa phương.
Nhóm tỉnh thấp nhất PCI vẫn còn nhiều tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng, Yên Bái). Khu vực duyên hải miền Trung có 2 tỉnh nằm trong nhóm xếp hạng rất tốt là Thừa Thiên - Huế (65,56 điểm, xếp thứ 2) và Quảng Ngãi (62,60 điểm, xếp thứ 7).

Tương tự như các năm trước, khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì chất lượng điều hành tốt khi có đến 3 tỉnh là Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre lần lượt giữ vị trí số 3, 5 và 6. Trong bảng xếp hạng năm nay, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên đứng trong nhóm 4 tỉnh xếp hạng PCI cao nhất với 63,51 điểm.

Ông Tuấn cho biết, qua kết quả khảo sát thì thấy rõ năm 2013 có vẻ là một năm khởi sắc. Chi phí không chính thức, tham nhũng quy mô nhỏ đã được cải thiện. Hầu hết các tỉnh đều nỗ lực cải thiện điều kiện gia nhập thị trường cho doanh nghiệp (DN) thông qua những cải cách về thủ tục kinh doanh, thiết lập cơ chế một cửa. Các chỉ số khác như tiếp cận đất đai, tính minh bạch và dịch vụ hỗ trợ DN có phần thất thường, song xu hướng chung là đều có cải thiện tích cực so với năm trước...

Doanh nghiệp tư nhân vẫn vất vả

Nhìn vào kết quả của báo cáo, ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch VCCI đánh giá, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố thời gian qua có xu hướng chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, báo cáo PCI 2013 lại cho thấy, DN tư nhân đang gặp nhiều khó khăn và vẫn đang rất vất vả để duy trì hoạt động. Năm 2013, chỉ có 6,4% DN trong nước tăng quy mô đầu tư và 6,2% DN tăng quy mô lao động. "Các DN vẫn chưa thực sự lạc quan khi chỉ có 32,5% DN tham gia khảo sát cho biết có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới" -ông Lộc nói.

Điều đáng lo ngại hơn là các DN vẫn cho rằng, "sân chơi" chưa thực sự công bằng đối với khối tư nhân. Các DN có mối thân quen với lãnh đạo tỉnh, nhất là DN cổ phần hóa và DN có lãnh đạo từng là quan chức nhà nước thì được ưu ái hơn trong tiếp cận đất đai, vốn và các hợp đồng mua sắm. Tương tự, DN nhận định rằng, thái độ của lãnh đạo tỉnh đối với khu vực tư nhân đã bị suy giảm liên tục từ năm 2007 đến nay. Một ví dụ tiêu biểu ở tỉnh Bình Dương-tỉnh bị "tụt" hạng đáng kể-về lĩnh vực tính minh bạch, 41% DN ở tỉnh này cho biết cần có mối quan hệ để tiếp cận các tài liệu quan trọng của tỉnh, tăng so với mức 37% năm 2008.

Ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kết quả điều tra 1.609 DN cũng cho thấy tâm lý kém lạc quan của DN FDI vẫn được duy trì. Chỉ có 28% DN FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Các DN FDI nhận định, Việt Nam vẫn kém hơn các quốc gia khác về chi phí không chính thức, gánh nặng của quy định, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng cơ sở hạ tầng. “Một chính sách thuế ổn định hơn, dự đoán trước được sẽ giúp giảm bớt hoạt động chuyển giá để trốn thuế của các DN FDI đang hoạt động ở Việt Nam” - báo cáo cho hay.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến:


Trên cơ sở mẫu phiếu khảo sát PCI, thành phố đã tổ chức khảo sát độc lập đối với 392 DN dân doanh và 117 DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, nhằm mục tiêu thu nhận những đánh giá, góp ý mới nhất của DN. Kết quả khảo sát độc lập này là nguồn thông tin quan trọng để thành phố nhận diện rõ hơn các khó khăn của DN, các rào cản kinh doanh, các tồn tại trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Đà Nẵng đã chọn năm 2014 là “Năm DN”. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng DN, tháo gỡ vướng mắc khó khăn với phương châm “sự thành công của DN là sự thành công của chính quyền và nhân dân thành phố.”
Lê Uyên (ghi)


Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:


Được nằm trong top dẫn đầu sẽ tạo động lực cho địa phương chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp cùng DN phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để làm sao cộng đồng DN đóng góp nhiều hơn nữa sức người sức của giúp kinh tế của Đồng Tháp đi lên. PCI không chỉ là thành công của Đồng Tháp mà là công rất lớn của cộng đồng DN bởi họ đã đóng góp không ít ý kiến để chúng tôi cải thiện những gì chưa được. Năm 2014, chúng tôi tiếp tục chủ trương tạo thuận lợi cho DN hơn nữa, do vậy, mọi vấn đề trong khả năng, chức trách chúng tôi đang hướng tới phải giải quyết sớm để doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Minh Thúy (ghi)